Tôi nghĩ, các trường học nên chủ động chuyển sang dạy và học online khi ngập lụt vẫn còn.

Trưa 10/9, khi thấy điều kiện thời tiết Hà Nội ngập lụt khắp nơi, bạn tôi, một giảng viên có tiết dạy tại một trường cao đẳng ở ngoại thành đã chủ động hỏi thông tin từ phòng đào tạo xem có chuyển hình thức giảng dạy sang online hay không.

Vì có nhiều sinh viên gửi video nhà trọ bị nước vào trong nhà không thể đi học, phải xin cô giáo nghỉ. Tuy nhiên, phòng đào tạo trả lời nhà trường không có chỉ đạo thay đổi hình thức dạy học.

Vì thế, bạn tôi lại phải đi dạy như bình thường. Mặc dù đã đoán trước tình hình ngập lụt sẽ tắc đường, mất nhiều thời gian hơn nên đi từ 10h40 để kịp dạy tiết đầu tiên của ca chiều.

Tuy nhiên, phải đi dạy trong điều kiện ngập lụt, đường mọi khi đi đã ngập hết không thể đi được nên phải tìm đường khác di chuyển xa hơn. Kết quả là bạn tôi đã phải di chuyển 30 km trong hai giờ đồng hồ liền.

Nhiều đoạn bị ngập, nhiều đoạn tắc đường toàn xe tải dài nối đuôi nhau mấy km không thể di chuyển, cứ một chân chống dưới đường, một chân trên xe máy, vai đeo ba lô có đựng laptop, sách giáo trình, giáo án...nặng trĩu vai suốt chặng đường trong tình trạng mặc áo mưa và dầm mưa suốt thời gian dài mới đến được lớp vào 12h40.

Sinh viên có em đi xe bus từ huyện ngoại thành khác sang bị tắc đường phải 15h30 mới có mặt ở trường. Trong lúc mưa bão khắp nơi, di chuyển khó khăn đến thế, nhà trường còn yêu cầu điểm danh vân tay với tất cả giảng viên. Tôi thấy quyết định của nhà trường chưa phù hợp với điều kiện chung của xã hội. Ai cũng biết việc học là quan trọng hàng đầu nhưng khi xảy ra các sự kiện bất khả kháng như thiên tai bão lũ thì việc lo bảo toàn tính mạng, tài sản của gia đình còn quan trọng hơn việc học rất nhiều.

Nếu như Ban Giám hiệu một số trường đại học, cao đẳng vẫn yêu cầu sinh viên đi học trực tiếp trong điều kiện khắp thành phố Hà Nội ngập lụt, tắc đường như thế này thì có nguy cơ mất an toàn đến giảng viên, sinh viên.

Cây xanh đổ đầy đường chưa kịp dọn dẹp, đường nào cũng ngập nước, xe chết máy, người và xe chen nhau trên đường, để đi đến trường có khi phải dầm mưa 2h-3h trên đường, tìm đường ít bị ngập nhất để đi nên khoảng cách càng xa hơn, đi mất nhiều thời gian hơn.

Nhiều sinh viên không có xe máy phải đi xe bus có khi đi 3h-4h mới đến được trường, ngồi học được 1h lại đi về với chặng đường vất vả như lúc đầu. Như vậy, cả giảng viên và sinh viên đều mệt mỏi vì di chuyển, chất lượng dạy và học cũng không đạt yêu cầu. Cách quản lý này quá cứng nhắc, không tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên, sinh viên và hiệu quả thu được không cao.

Dù đã có sinh viên xin nghỉ vì ngập nước, nhưng trường vẫn yêu cầu học trực tiếp và điểm danh. Điều này cho thấy sự cứng nhắc trong quản lý, khiến giảng viên và sinh viên đều mệt mỏi, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

Mưa lũ đã khiến nhiều trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội phải cho sinh viên tạm nghỉ hoặc chuyển sang học online, tuy nhiên, vẫn có một số trường yêu cầu học trực tiếp. Là giảng viên thỉnh giảng, tôi nhận thấy cách ứng xử của một số trường trong điều kiện mưa bão rất linh hoạt, tạo điều kiện tối đa cho giảng viên và sinh viên.

Ví dụ, một trường đại học vào sáng ngày 10/9 đã kịp thời thông báo qua nhóm chat rằng các lớp vẫn học trực tiếp, nhưng sinh viên ở vùng ngập có thể học qua phần mềm online. Nếu cần, giảng viên có thể đề xuất chuyển sang học online từ sớm để tránh bất tiện cho sinh viên. Đến trưa cùng ngày, trường tiếp tục cập nhật, chuyển các lớp buổi chiều và ngày hôm sau sang học trực tuyến nhằm đảm bảo an toàn.

Một trường cao đẳng cũng phát đi thông báo khẩn, chuyển toàn bộ sinh viên sang học online từ chiều ngày 10/9 cho đến khi có thông báo mới, với lý do mưa lớn, đường ngập và nguy cơ mất an toàn.

Một số trường khác cũng điều chỉnh hình thức giảng dạy sang trực tuyến từ 10/9. Đây là sự quan tâm chu đáo của Ban Giám hiệu đối với giảng viên và sinh viên.

Tuy nhiên, không phải tất cả các trường đều linh hoạt như vậy. Thực tế, việc kiên quyết giữ lịch học trực tiếp trong điều kiện thời tiết xấu là không hợp lý. Giảng viên và sinh viên phải dầm mưa hàng giờ để đến trường, lo lắng về an toàn cá nhân và tài sản, làm giảm hiệu quả học tập. Ngược lại, những trường linh hoạt chuyển sang hình thức học online đã đảm bảo an toàn, giúp giảng viên và sinh viên yên tâm hơn.

Tôi đề xuất, trong những ngày mưa bão, các trường nên cho sinh viên và học sinh học online. Các em đã có khả năng tự chủ việc đi lại và học tập, còn học sinh nhỏ tuổi hơn thì cần có bố mẹ chăm sóc. Những quyết định linh hoạt này không chỉ bảo vệ tính mạng, tài sản mà còn thể hiện sự nhân văn, tinh tế trong quản lý giáo dục.

Vũ Thị Minh Huyền