Facebook bị tố bán nội dung tin nhắn của người dùng suốt một thập kỷ qua

(Dân trí) - Facebook bị cáo buộc âm thầm bán nội dung tin nhắn của người dùng cho Netflix trong một thập kỷ qua, giúp dịch vụ xem truyền hình theo yêu cầu này nắm rõ thói quen và sở thích của người dùng Facebook.

Những thông tin trên vừa được tiết lộ từ các tài liệu được nộp lên tòa án, trong một vụ kiện tập thể được đại diện bởi 2 công dân người Mỹ là Maximilian Klein và Sarah Grabert, những người đã cáo buộc Facebook và Netflix "có những mối quan hệ đặc biệt" và lợi dụng thông tin người dùng để kiếm lợi.

Theo đơn kiện, Facebook đã nhận được hàng trăm triệu USD tiền quảng cáo từ Netflix như một phần của mối quan hệ gắn kết này. Riêng trong năm 2017, Netflix đã chi ra hơn 150 triệu USD để mua quảng cáo trên Facebook.

Facebook bị tố bán nội dung tin nhắn của người dùng suốt một thập kỷ qua  第1张

Facebook và Netflix bị "tố" có mối quan hệ chặt chẽ đến mức Netflix có thể đọc tin nhắn người dùng Facebook (Ảnh: Getty).

Đơn kiện cho biết mối quan hệ giữa Facebook và Netflix đã trở nên gắn kết hơn kể từ khi nhà đồng sáng lập Netflix, Reed Hastings, được bổ nhiệm vào hội đồng quản trị của Facebook vào năm 2011. Thậm chí, Facebook đã chấp nhận đóng cửa tính năng phát video theo yêu cầu để không cạnh tranh với Netflix.

"Trong gần một thập kỷ qua, Netflix và Facebook đã có mối quan hệ đặc biệt. Netflix đã chi ra hàng trăm triệu đô la để mua quảng cáo trên Facebook, ký kết một loạt thỏa thuận chia sẻ dữ liệu với Facebook, được cấp quyền truy cập vào các API riêng tư của Facebook", nội dung đơn kiện cho biết.

API (Giao diện lập trình ứng dụng) là một tập hợp các định nghĩa và giao thức, cho phép 2 hoặc nhiều phần mềm, ứng dụng có thể giao tiếp và chia sẻ thông tin với nhau. API hoạt động như một cầu nối giữa các ứng dụng, ví dụ một ứng dụng thời tiết có thể sử dụng API để truy cập vào dữ liệu dự báo của một trang web về thời tiết.

Đơn kiện cho biết Facebook đã cung cấp cho Netflix những API đặc biệt, cho phép Netflix có thể đọc nội dung tin nhắn riêng tư của người dùng Facebook. Đổi lại Netflix sẽ phải cung cấp cho Facebook báo cáo tổng hợp về cách người dùng Netflix tương tác với các nội dung của dịch vụ này, như các bộ phim yêu thích, số lần chọn những bộ phim xuất hiện ở danh sách đề xuất…

Đơn kiện khẳng định Facebook và Netflix đã trao đổi dữ liệu người dùng với nhau suốt từ năm 2013 cho đến nay.

Trước đó, từ tháng 4/2016, Facebook ra mắt tính năng mã hóa đầu cuối cho các tin nhắn trên Messenger, nghĩa là tin nhắn được mã hóa tại thiết bị của người gửi và chỉ được giải mã khi đến thiết bị của người nhận. Tuy nhiên, tính năng này ban đầu không được kích hoạt mặc định.

Phải đến tháng 8/2022, Facebook mới bắt đầu kích hoạt mặc định tính năng mã hóa đầu cuối khi gửi tin nhắn trên Messenger cho người dùng trên toàn cầu. Tại Việt Nam, đến tháng 12/2023, tính năng mã hóa đầu cuối khi gửi tin nhắn trên Facebook Messenger mới được kích hoạt mặc định.

Tuy nhiên, đơn kiện khẳng định Facebook vẫn cho phép một số công ty nhất định, trong đó có Netflix, được quyền đọc tin nhắn riêng tư của người dùng.

Sau những cáo buộc trong đơn kiện, một đại diện của Meta, công ty mẹ của Facebook, đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc này.

"Meta không chia sẻ bất kỳ tin nhắn riêng tư nào của người dùng với Netflix", đại diện Meta cho biết. "Những thỏa thuận hợp tác giữa Facebook và Netflix là rất phổ biến trong ngành công nghệ. Chúng tôi tin rằng đơn kiện này là vô căn cứ".

Hiện phía Netflix chưa đưa ra bình luận gì về vụ kiện.

Đây không phải là lần đầu tiên Facebook bị cáo buộc cho các công ty bên ngoài đọc trộm tin nhắn của người dùng. Vào năm 2018, tờ báo The New York Times đã trích dẫn hàng trăm trang tài liệu nội bộ của Facebook cho thấy mạng xã hội này đã cấp phép để 2 ứng dụng Netflix và Spotify truy cập vào tin nhắn cá nhân của người dùng.

Tờ báo này khẳng định rằng Facebook đã thu lợi hàng trăm triệu USD nhờ việc bán nội dung tin nhắn người dùng của mình ra bên ngoài.

Trên thực tế, Facebook đã từng không ít lần bị phạt vì làm rò rỉ hoặc chia sẻ thông tin của người dùng mà không được phép.

Chẳng hạn như năm 2022, chính phủ Ireland đã phạt Facebook 284 triệu USD sau khi dữ liệu của hơn nửa tỷ người dùng bị rò rỉ trực tuyến. Các dữ liệu bị rò rỉ bao gồm tên đầy đủ, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ… của người dùng Facebook.

Năm 2019, Facebook đã bị Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) xử phạt 5 tỷ USD vì làm rò rỉ dữ liệu người dùng trong vụ bê bối Cambridge Analytica. Đây là mức xử phạt cao nhất mà FTC từng áp dụng cho một hãng công nghệ.

Theo Fox/DTrends/TC