Nghị viện châu Âu đã phê duyệt sử dụng các tài sản bị đóng băng của Ngân hàng trung ương Nga để cho Ukraine vay khoản tiền lên đến 35 tỷ Euro (khoảng 38 tỷ USD).

EU sẽ khai thác tài sản bị đóng băng của Nga  第1张

Theo một tuyên bố chính thức vào ngày 22/10, EU đã đóng băng khoảng 210 tỷ Euro (227 tỷ USD) tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga sau khi xung đột Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022. Nga đã lên án động thái này là "trộm cắp".
Khoản tài trợ này đáp ứng phần chia sẻ của EU trong gói viện trợ cho Ukraine trị giá 50 tỷ USD mà các nước G7 đã nhất trí vào tháng 6. Nghị viện châu Âu thông báo rằng việc khai thác tài sản bị đóng băng của Nga nói trên đã được phê chuẩn với 518 phiếu thuận, 56 phiếu chống và 61 phiếu trắng. Nghị viện châu Âu cho biết thêm rằng các khoản tiền này sẽ được chuyển đến hết năm 2025.
Các khoản doanh thu trong tương lai từ những tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga sẽ được chuyển cho Ukraine để trả khoản vay của EU và những khoản vay từ các đối tác G7 khác. Tuyên bố cũng cho biết thêm rằng Kiev cũng có thể phân bổ các khoản tiền này "tùy theo ý muốn".
Đề xuất này đã được các quốc gia thành viên EU thông qua vào đầu tháng 10. Hội đồng châu Âu hiện có kế hoạch thông qua đề xuất như một quy định và sẽ có hiệu lực sau khi được công bố trên Công báo của EU - tuyên bố lưu ý.
Theo Euroclear - công ty lưu ký chứng khoán trung ương có trụ sở tại Brussels (Bỉ), nơi nắm giữ phần lớn các quỹ của Nga, các tài sản bị đóng băng đã tạo ra 3,4 tỷ Euro (3,7 tỷ USD) tiền lãi tính đến giữa tháng 7. Vào tháng 7, Ủy ban châu Âu đã chấp thuận chuyển 1,5 tỷ Euro (1,6 tỷ đUSD) trong số tiền đó để hỗ trợ "năng lực quân sự" của Ukraine.
Theo báo cáo, Mỹ đang có kế hoạch đóng góp tới 20 tỷ USD cho gói hỗ trợ của G7, với điều kiện là những khoản tiền này được hoàn trả bằng số tiền thu được từ các tài sản bị đóng băng của Nga.
Trước đó, Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng chính sách xem xét các lệnh trừng phạt đối với Nga của EU sau mỗi 6 tháng khiến việc hoàn trả khoản vay trở nên không chắc chắn vì nó có thể dẫn đến việc hết hạn các hạn chế. Để đáp lại, Brussels đã đề xuất gia hạn thời hạn lên 3 năm. Hungary phản đối ý tưởng này và cho biết sẽ trì hoãn quyết định cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11.
Những nước phương Tây ủng hộ Ukraine đã cố gắng đẩy nhanh các cuộc đàm phán về khoản vay do lo ngại ngày càng tăng rằng viện trợ của Washington cho Kiev có thể bị cắt nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng - báo Financial Times đưa tin vào tuần trước. Cựu Tổng thống Mỹ đã nhiều lần đe dọa sẽ cắt giảm viện trợ cho Ukraine nếu ông được bầu.
Những tài sản này của Nga đã bị đóng băng ngay sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022. Khoản vay trên nhằm giúp Ukraine tái thiết nền kinh tế và mạng lưới điện cũng như giải quyết các nhu cầu tài chính cấp bách.
Moscow vẫn duy trì quan điểm rằng bất kỳ hành động tận dụng tài sản bị phong tỏa của Nga đều là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế, sẽ làm suy yếu thêm lòng tin toàn cầu vào hệ thống tài chính phương Tây và dọa sẽ đáp trả.
(Theo VTV)