Mắc rối loạn nhịp tim điều trị bằng thuốc không còn hiệu quả, bệnh nhân nam 69 tuổi được can thiệp triệt đốt giúp thoát khỏi nguy cơ tổn thương tim.

Bệnh nhân xuất hiện cơn choáng đầu tiên từ năm 2022, khám tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội được chẩn đoán ngoại tâm thu thất với tỷ lệ ngoại tâm thu lên tới trên 20% tổng số nhịp. Ngoại tâm thu thất là tình trạng xuất hiện các nhịp bất thường, xuất phát từ tâm thất phát nhịp sớm hơn nhịp bình thường, vốn được phát ra từ nút xoang tại tâm nhĩ - tầng trên của tim.

Bệnh nhân thường xuất hiện cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở, mệt mỏi. Nếu không được điều trị kịp thời, khi bệnh tiến triển nặng, tim co bóp không đều, có thể dẫn đến suy tim, tăng nguy cơ đột tử.

Trong gần hai năm đầu điều trị, việc dùng thuốc chống loạn nhịp, điều chỉnh chế độ sinh hoạt đã giúp bệnh nhân giảm tình trạng hồi hộp, tim đập nhanh. Tuy nhiên, gần đây, ông nhận thấy các triệu chứng xuất hiện thường xuyên hơn, đôi khi cơn hồi hộp còn đi kèm đánh trống ngực.

Ngày 11/10, TS.BS Ngô Chí Hiếu, khoa Tim mạch và Tim mạch Can thiệp, cho biết điều trị nội khoa đóng vai trò quan trọng trong điều trị ngoại tâm thu nói riêng và rối loạn nhịp tim nói chung. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng đáp ứng tốt với thuốc, sau một thời gian việc dùng thuốc có thể không còn hiệu quả. Khi đó, các bác sĩ cân nhắc đến các can thiệp để điều trị triệt để hơn, tránh để tim tổn thương dẫn tới suy tim.

Cứu người đàn ông rối loạn nhịp tim không đáp ứng thuốc  第1张

Bệnh nhân ổn định sau can thiệp trị rối loạn nhịp tim. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định sử dụng phương pháp tối ưu nhất cho bệnh nhân là triệt đốt qua ống thông sử dụng năng lượng tần số radio. Đây là phương pháp can thiệp tối thiểu, ống thông được đưa vào buồng tim, tiếp cận vị trí cơ tim gây rối loạn nhịp tim. Năng lượng tần số radio tại đầu ống thông sẽ tạo tổn thương nhiệt phá hủy mô tim gây bệnh.

TS.BS. Alain Lebon cho biết khó khăn nhất trong quá trình triệt đốt cho ca bệnh này là việc tìm chính xác vị trí mà các ngoại tâm thu được phát ra. Hình ảnh điện tâm đồ gợi ý nguồn gốc của ngoại tâm thu nằm phía bên phải của tim. Tuy nhiên, hệ thống lập bản đồ điện sinh lý 3D hiện đại giúp bác sĩ xác định vị trí cần can thiệp nằm ở lá vành trái.

"Đây là vị trí khá nguy hiểm, do đó, quá trình can thiệp được tiến hành thận trọng, đảm bảo không gây tổn thương van động mạch chủ và động mạch vành", bác sĩ nói. Sau can thiệp, bệnh nhân không còn ngoại tâm thu thất, quá trình hồi phục nhanh, có thể đi lại, ăn uống dễ dàng.

Các bác sĩ cho biết hiện nay rối loạn nhịp tim là bệnh lý khá phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính với nhiều hình thái khác nhau. Song, bất kể loại nào hiện này đều có thể được triệt đốt với tỷ lệ thành công cao hơn nhiều so với điều trị nội khoa. Tùy theo loại rối loạn nhịp tim, tới 95% bệnh nhân có cơ hội được điều trị triệt để bằng triệt đốt, không cần dùng thuốc chống loạn nhịp cả đời, đồng thời tránh được những nguy cơ do biến chứng của nhóm bệnh lý tim mạch nguy hiểm này. Tuy nhiên, các phương pháp can thiệp cần được thực hiện tại các cơ sở chuyên khoa với các bác sĩ nhiều kinh nghiệm để đảm bảo an toàn.

Lê Nga