Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị công khai trên báo chí và phê bình các lãnh đạo tỉnh vắng mặt tại buổi tiếp công dân.
Sáng 26/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024. Theo số liệu tháng 10/2023 đến tháng 7/2024, cơ quan hành chính cả nước đã tiếp gần 256.000 lượt người với 206.400 vụ việc.
Ủy ban Pháp luật cho rằng so với năm 2023, số đoàn đông người đến Thanh tra Chính phủ tăng gấp đôi (229%). Tình trạng thủ trưởng cơ quan ủy quyền tiếp công dân tại bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều. Ủy ban đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân để có giải pháp xử lý phù hợp.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu sáng 26/9. Ảnh: Media Quốc hội
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói bên cạnh việc không đảm bảo số ngày tiếp công dân theo quy định, thẩm quyền giải quyết của người tiếp công dân hiện nay cũng chưa đúng. Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) đã mời một số chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh đến giải quyết các vụ việc nhưng họ không có mặt. Cán bộ cấp dưới được cử đi thay không có thẩm quyền giải quyết, dẫn đến việc "nghe, thống nhất để về báo cáo nhưng không biết báo cáo thế nào".
Ông Phương đề nghị Thanh tra Chính phủ thực hiện nghiêm quy định về tiếp công dân. Khi Ban Tiếp công dân Trung ương làm việc, mời lãnh đạo tỉnh không đến thì thông tin công khai trên báo chí. "Việc này phải rõ ràng và đề nghị Chính phủ có công văn phê bình chính quyền, kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm cá nhân. Thực thi công vụ mà ngại ngùng, sợ va chạm, cứ để kéo dài mãi làm sao giải quyết dứt điểm", ông Phương nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, công tác tiếp công dân của thủ trưởng, cơ quan hành chính các cấp chưa đảm bảo số ngày theo quy định. "Nếu Thanh tra Chính phủ sát sao, Chủ tịch UBND cấp tỉnh dành thời gian tiếp công dân thì số lượng khiếu nại tố cáo sẽ giảm", ông Mẫn nói.
Chia sẻ về thời kỳ làm Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ông Mẫn cho biết khi đó ông yêu cầu lãnh đạo xã, phường chịu trách nhiệm, thậm chí bị kiểm điểm nếu địa bàn có người dân khiếu kiện phức tạp. Nếu vấn đề của người dân được giải quyết ngay từ cấp xã thì sẽ không có chuyện họ khiếu kiện lên huyện, tỉnh và Trung ương.
"Cái gì cũng phải giải quyết tận gốc, người dân ấp nào, xã nào đi khiếu kiện thì cấp ủy, địa phương phải nắm. Cơ quan Trung ương có muốn giải quyết cho người dân cũng phải về tận địa bàn chứ không thể giải quyết ở đây được", ông Mẫn nhấn mạnh.
Giải trình cuối phiên thảo luận, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nói theo quy định của luật, bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh mỗi tháng tiếp công dân một ngày. Số lượng ngày tiếp của các bộ trưởng đang tính theo 21 bộ, ngành, 45 địa phương và 10 tháng.
Theo ông Phong, thời gian tới Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục đôn đốc bộ ngành và địa phương khắc phục bất cập trong công tác tiếp công dân; yêu cầu địa phương tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng, kéo dài.
Báo cáo của cơ quan thẩm tra cho thấy chủ tịch UBND cấp xã là cấp có tỷ lệ tiếp công dân trực tiếp tốt nhất (92%), tiếp theo là Chủ tịch cấp huyện (84%), Chủ tịch cấp tỉnh (82%). Đối với bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, tỷ lệ tiếp trực tiếp chỉ đạt 59%, trong khi ủy quyền tiếp lên đến 41%.
Cơ quan thẩm tra đánh giá thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp vẫn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân. Việc trực tiếp tiếp công dân của Chủ tịch cấp tỉnh và cấp huyện có tiến bộ so với năm 2023, nhưng nếu tính chung số ngày tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước thì giảm nhẹ.
Báo cáo của Chính phủ chưa chỉ ra cụ thể Bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu cơ quan, địa phương nào chưa thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm tiếp công dân. Các ngành, địa phương chưa đề cao trách nhiệm trong việc thực hiện tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, nhất là để giải quyết những vụ việc, vấn đề nổi cộm, bức xúc.
Sơn Hà
Đăng thảo luận