YênBái - Nhờ cây dâu, con tằm mà thu nhập cao hơn, cuộc sống đã khấm khá thêm. Vốn là người hoài niệm, tôi tự đặt câu hỏi: “Cơ duyên nào đưa cây dâu về đất Trấn Yên? Những ai có công lao với nhà nông Trấn Yên khi mang cây dâu, con tằm về mảnh đất này?”...
Nông dân thôn Lan Đình, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên bên những nương dâu xanh tốt trước khi xảy ra bão số 3.
>> Trấn Yên phấn đấu cứu khoảng 600 ha dâu tằm sau ngập lũ
>> Xót xa vùng dâu Việt Thành
>> Trấn Yên tăng mạnh diện tích dâu tằm
Dâu tằm "bén rễ" đất Trấn Yên
Cây dâu tằm đã "bén rễ” đồng đất Trấn Yên. Cả nghìn héc - ta dâu không chỉ nhuộm màu xanh ngát dọc dải đất 2 bên sông Hồng từ Báo Đáp, Quy Mông, Việt Thành, Đào Thịnh, Minh Quân…, mà còn len vào đồi bãi các xã: Hưng Khánh, Hưng Thịnh, Tân Đồng. Hàng nghìn nông hộ đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chia tay với những cây trồng truyền thống để trồng dâu, nuôi tằm.
Tôi đến thôn Lan Đình, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên một sớm thu. Mặt trời đã thôi rực lửa. Nắng vàng buông nhẹ như tô thêm sắc xanh của cánh đồng dâu bát ngát ven sông. Chọn Lan Đình làm nơi điền dã để lấy cảm hứng cho bài viết của mình, đơn giản thôi, Việt Thành là vùng quê có truyền thống yêu nước, tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thôn Lan Đình là nơi đầu tiên trồng dâu. Nông dân Lan Đình là những người đầu tiên chăm tằm ở Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
"Em bỏ công lao tự thuở giờ/Chăn tằm mong kén chút duyên tơ/Cứ ngày hai buổi em đi hái/Mớ lá dâu về xắt nhỏ, to”. Những câu thơ mà thi sĩ Hàn Mặc Tử viết về cô gái hái dâu cứ văng vẳng bên tai khi ngắm nhìn những cô gái thấp thoáng trong ruộng dâu xanh tốt.
Tay thoăn thoắt hái từng tàu lá, chị Thanh Hương - người thôn Lan Đình quay sang chia sẻ với chúng tôi: "Đã làm nông thì không thể nói là nhàn hạ được. Nhưng đúng là làm dâu tằm không vất vả như làm cái khác, chưa kể thu nhập ổn hơn rất nhiều trồng lúa và làm màu”.
Rồi chị tiếp: "Ban đầu cán bộ nói cũng chưa ai muốn nghe đâu, nhưng giờ thì muốn làm thêm thật nhiều, ai muốn cản cũng khó. Nông dân biết ơn những người đã có công đưa cây dâu tằm về đây nhiều lắm!”.
Mồ hôi đã ướt lưng áo, từng giọt lăn dài trên khuôn mặt ửng hồng, dưới vành nón lá, ánh mắt cô thôn nữ tràn đầy niềm vui. Vẻ đẹp trong lao động, thành quả có được từ lao động luôn cao đẹp nhất. Điều này, đã được khoa học về thẩm mỹ chứng minh.
"Tôi muốn tìm hiểu về quá trình đưa cây dâu về Trấn Yên cũng như những người đã có công lớn với nghề trồng dâu, nuôi tằm của huyện” - đặt vấn đề với rất nhiều người, từ nông dân đến cán bộ đương chức và cả các chú, các anh đã nghỉ hưu ở huyện Trấn Yên, tất cả để có chung câu trả lời: "Gặp ông Lê Tạo (đồng chí Lê Văn Tạo - nguyên Bí thư Huyện ủy Trấn Yên) là rõ hết!”.
Một cuộc hẹn đã được định. Anh Lê Tạo vẫn hóm hỉnh như ngày nào và nghỉ hưu rồi càng dễ tiếp cận. Chẳng cần lục lại trí nhớ, anh vào đề luôn: "Tôi nhớ, vào năm 1999, khi đang là Phó Bí thư Huyện ủy Trấn Yên, trong một lần gặp anh bạn người quê Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, anh chia sẻ: "ông làm lãnh đạo huyện rồi, ông tìm cách giúp dân đi. Tôi vừa về quê, dưới nhà giờ làm ăn được lắm!. Bà con trồng dâu, nuôi tằm rất mạnh!”. Thú thật, chuyện trên bàn trà nên tôi cũng không để tâm. Khoảng hơn một năm sau, gặp lại anh bạn, anh ta lại nhắc chuyện trồng dâu. Lần này, nói say sưa hơn nên tôi đã quyết định rủ mấy anh em gồm: Đinh Đăng Luận - Phó Chủ tịch UBND huyện, sau này làm Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Minh - lúc đó làm Phó Giám đốc Ngân hàng Phát triển Yên Bái (anh Minh có nhiều bạn ở Thái Bình nên nhờ anh kết nối).
Chuyến đi rất thuận lợi. Chúng tôi được Tiến sĩ Hà Văn Phúc - Viện trưởng Viện nghiên cứu dâu tằm cơ sở 2 tại Thái Bình đón tiếp. Anh Phúc chia sẻ thông tin, giới thiệu chúng tôi đến thăm các cánh đồng dâu, thăm nhà máy ươm tơ… Đi đến đâu cũng nhận được sự nhiệt tình, mến khách và sẵn lòng chia sẻ. Kỷ niệm đáng nhớ nhất chính là lần đầu tiên chúng tôi biết dâu tằm gieo bằng hạt, giống dâu VH9, VH13, VH15 lá to gấp mấy lần lá dâu mà ông bà ta đã trồng trước đây, năng suất cực kỳ cao, phù hợp với nhiều loại thổ nhưỡng, nhiều vùng khí hậu. Mê dâu tằm rồi, anh em quyết định bỏ 7,5 triệu đồng mua 3 kg hạt về gieo thử. Kết quả chuyến công tác tại Thái Bình được đưa ra cuộc họp Ban Thường vụ Huyện ủy ngay sau đó.
Đồng chí Nguyễn Đức Tùy - Bí thư Huyện ủy (anh Tùy người quê vùng dâu Hà Tây) có nhắc anh em: "Làm đi, nhưng phải làm cẩn thận, không được hỏng việc, vừa gây mất niềm tin của dân, vừa bị tỉnh phê bình”. Tiếp đó, tôi trực tiếp lên tỉnh báo cáo anh Hoàng Trọng Soạn - Chủ tịch UBND tỉnh khi đó. Nghe tôi báo cáo song, anh Soạn quyết rất nhanh: "Bố trí cho huyện 100 triệu. Phải làm cho ra làm, đừng để như cà phê Catimo!”. Từ tỉnh về, anh em vừa mừng, vừa lo, mừng vì lãnh đạo tỉnh ủng hộ cao, lo vì nhiều khó khăn sẽ gặp phải. Huyện giao nhiệm vụ cho kỹ sư Nguyễn Thành Lê - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách thử nghiệm và phát triển dâu tằm, phân công nhiệm vụ, triển khai thận trọng, bài bản, lựa chọn thôn Lan Đình, xã Việt Thành làm nơi thí điểm…
Nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn được tổ chức, huyện còn tổ chức 3 chuyến tham quan tại Vĩnh Phúc cho mấy trăm lượt cán bộ và nông dân; lồng ghép nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân. Khi những lứa kén đầu tiên được thu, Văn phòng Huyện ủy dùng xe ô tô U oát chở kém về tận Vĩnh Phúc để bán. Giá bán lúc đó chưa đến 20.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/10 hiện nay nhưng đã đủ sức thuyết phục nông dân nhà ta - những người vốn chịu khó nhưng ngại thay đổi. Rồi diện tích dâu phát triển qua từng năm và tôi cũng chuyển về tỉnh làm nhiệm vụ khác. Dù vậy, tôi vẫn luôn quan tâm, theo dõi tình hình phát triển của Trấn Yên nói chung và nghề dâu tằm nói riêng.
Để nói về những người có công lao với nghề dâu tằm, tôi muốn nhắc đến Tiến sĩ Hà Văn Phúc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu dâu tằm cơ sở 2 cùng những kỹ sư của Viện đã cất công lên tận Việt Thành, Đào Thịnh cầm tay chỉ việc cho bà con. Anh Nguyễn Thành Lê - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng chị Liệu, chị Liên… những cán bộ kỹ thuật cực kỳ tâm huyết. Anh Dụy, anh Khôi là Bí thư, Chủ tịch xã và anh Ngữ là Trưởng thôn Lan Đình, xã Việt Thành - những người có lòng kiên trì, quyết tâm cao và cả "chịu trận” nữa thì cây dâu, con tằm mới về được Trấn Yên, mới ở lại với bà con.
Về công lao mở rộng diện tích dâu, chúng ta không thể không nhắc tới đồng chí Nguyễn Thế Phước - nguyên Chủ tịch, Bí thư Huyện ủy Trấn Yên, hiện là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Giai đoạn đồng chí Nguyễn Thế Phước đảm trách chức vụ Bí thư Huyện ủy đã rất quyết liệt chỉ đạo mở rộng diện tích dâu. Chỉ sau 5 năm, diện tích dâu toàn huyện tăng gấp đôi (từ 500 ha lên gần 1.000 ha). Việc liên kết, liên doanh, thu hút nhà đầu tư, tìm kiếm, mở rộng thị trường cũng được huyện quan tâm, nhà máy ươm tơ đặt tại xã Tân Đồng đã đi vào hoạt động, hàng loạt đại lý thu mua được thiết lập tới tận làng, xã”.
Hiệu quả của nghề trồng dâu, nuôi tằm đã được khẳng định (cao hơn trồng lúa ít nhất 3 lần), nông dân không phải lo tưới tiêu như trước, đặc biệt, không còn cảnh phun thuốc trừ sâu vừa độc hại cho bản thân vừa ảnh hưởng đến môi trường sống. Đầu ra luôn là bài toán khó giải đối với nông sản, đặc biệt là điệp khúc "được mùa, mất giá”. Nhưng với kén tằm thì hoàn toàn không có chuyện đó, bởi ngày nay tơ tằm không chỉ làm nguyên liệu cao cấp trong ngành dệt may mà kén tằm còn là nguyên liệu sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm cao cấp… Sản phẩm kén tằm Trấn Yên, Yên Bái được hàng loạt các nhà máy trong nước và quốc tế săn đón, thị trường cực kỳ rộng mở. Từ ruộng dâu ở Lan Đình hôm nào, đến nay, cây dâu đứng vững, tốt tươi không chỉ ở nhiều xã trên địa bàn huyện Trấn Yên, mà còn vượt đèo Ách vào Văn Chấn, mở ra cơ hội cho người nông dân và nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Được biết, có những hộ dân ở Trấn Yên thuê đất trồng tới 6 ha dâu. Thuê đất quanh làng, quanh xã không đủ đã về tận Hạ Hòa, Phú Thọ thuê để làm. Dù vậy, những người tâm huyết với nông nghiệp, nông thôn, nông dân và nghề trồng dâu nuôi tằm vẫn còn phảng phất nỗi lo như: nhiều địa phương đưa cây dâu xuống vùng đất trũng; chưa quan tâm đến việc thoát nước cho ruộng dâu, nên mưa nhiều, mưa lớn ngập úng khiến dâu kém năng suất hoặc chết.
Đặc biệt, Trấn Yên vẫn chưa có nhiều vùng chuyên canh dâu quy mô lớn, bãi dâu xem lẫn với ruộng lúa và hoa màu khác là phổ biến (lúa và hoa màu phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, gây ô nhiễm đến lá dâu khiến tằm ăn vào bị chết)… Những vấn đề bất cập cần được khắc phục kịp thời để nghề dâu tằm đứng vững và phát triển.
Năm 2023, Trấn Yên có 1.000 ha dâu (hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra; sản lượng kén tằm đạt 1.415 tấn, giá bán 160 đến 200.000/kg; thu nhập cao gấp 6 đến 7 lần trồng lúa. Năm 2024, diện tích và sản lượng dâu tằm cao hơn năm trước, giá kén chất lượng tốt không đổi. Huyện Trấn Yên phấn đấu đến năm 2030, đưa diện tích dâu lên 1.500 ha. Khi bài viết này còn chưa đến tay bạn đọc thì lũ lụt đã làm hơn 600 ha dâu của Trấn Yên bị hư hại. Nước vừa rút, cán bộ kỹ thuật đã lội bùn, tổ chức Hội nghị đầu bờ hướng dẫn nông dân khôi phục vùng dâu.
>> Nghị quyết Quy định một số nội dung và mức hỗ trợ thiệt hại sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của bão số 3
>> Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy kiểm tra khắc phục các tuyến đê và vùng dâu của huyện Trấn YênCứu lại vùng dâu sau bão
Một vùng dâu xanh đã và đang khẳng định hiệu quả kinh tế có tính bền vững. Tuy nhiên, sự cố thiên tai thật không ngờ tới. Bão số 3 đã làm trên 750 ha dâu bị ảnh hưởng, chiếm ¾ diện tích dâu của toàn huyện, trong đó Việt Thành bị thiệt hại nặng nề nhất.
Việt Thành hiện có trên 220ha dâu. Đây là địa phương có diện tích trồng dâu nuôi tằm lớn nhất của huyện Trấn Yên. Cơn bão số 3 đã nhấn chìm toàn bộ diện tích dâu của xã. Sau nước rút, dâu bị hỏng lá, bùn đất bám đầy gốc, làm cây dâu bị thối ngọn, trên 50% diện tích khó có khả năng hồi phục, cần phải trồng lại mới.
Người dân Trấn Yên khơi thông rãnh thoát nước sau ngập lũ cho ruộng dâu của gia đình.
Theo ông Đỗ Minh Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Việt Thành, địa phương đang phối hợp với các cơ quan chức năng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại. Từ đó, đưa ra giải pháp phù hợp. Đối với diện tích trên cao mà cứu được thì áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc để cây dâu phục hồi. Đối với những diện tích phải trồng lại cần phải xem xét yếu tố cải tạo đất, nếu nhiều cát bồi lắng sẽ phải đào đi. Nói chung, để ổn định được vùng dâu như hiện tại là rất khó khăn, nhưng Việt Thành quyết tâm giữ vững làng nghề trồng dâu nuôi tằm.
Việt Thành có thêm những lý do để giữ vững vùng dâu. Đó là sự quan tâm, lo lắng sát sao của các đồng chí lãnh đạo trung ương, tỉnh, huyện cho vùng dâu Việt Thành. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Đỗ Đức Duy đã trực tiếp lên thị sát cánh đồng dâu và có những chỉ đạo rất cụ thể về phương án khắc phục, trong đó có nhấn mạnh chính sách đặc thù để khôi phục lại diện tích dâu.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Đỗ Đức Duy cùng lãnh đạo huyện Trấn Yên lội nước vào kiểm tra diện tích dâu bị thiệt hại do ngập úng ở xã Việt Thành sau bão số 3.
Nước vừa rút, cán bộ kỹ thuật đã lội bùn, tổ chức Hội nghị đầu bờ hướng dẫn nông dân khôi phục vùng dâu. Ngành nông nghiệp huyện Trấn Yên đang tập trung nhân lực, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc phục hồi cho bà con, phấn đấu cứu khoảng 600 ha dâu tằm trong số toàn bộ 1.000 ha dâu bị ngập úng, thiệt hại do cơn bão số 3.
Ưu tiên cấp bách phục hồi sản xuất cho nông dân sau bão lũ, sáng qua- 30/9, Kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh đã thông qua 16 nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết Quy định một số nội dung và mức hỗ trợ thiệt hại sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) năm 2024 trên địa bàn tỉnh Yên Bái nhằm hỗ trợ một phần thiệt hại sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) năm 2024 trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Nghị quyết đã ghi rõ mức hỗ trợ 15 triệu đồng/ha cây dâu tằm bị thiệt hại trên 70% . Đây sẽ là bước đầu tiên tạo động lực giúp nông dân Trấn Yên cứu lại vùng dâu trước khi có những giải pháp căn cơ, bài bản hơn từ địa phương và ngành chuyên môn.
Đáng mừng là, những diện tích dâu sau bão có thể khắc phục, nhờ sự nỗ lực của người dân, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, ngành chuyên môn nên đến thời điểm này dâu sau lũ đã nảy mầm, hồi phục rất tốt. Những mầm xanh sau bão cho kỳ vọng về một vùng dâu kiên cường đứng vững sau mọi thử thách.
Lê Phiên
Tags dâu tằm Trấn Yên
Đăng thảo luận