Kết quả xếp hạng mới đây của FTSE Russell tiếp tục đặt Việt Nam trong danh sách theo dõi do chưa đáp ứng đủ tiêu chí chu kỳ thanh toán (DvP).

Theo kết quả xếp hạng vừa được FTSE Russell công bố, Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp (secondary emerging market). Việc rà soát thường niên về phân hạng thị trường nằm trong các chỉ số cổ phiếu toàn cầu của FTSE được thực hiện vào tháng 9 hàng năm. Trước đó, Việt Nam được đưa vào danh sách theo dõi từ tháng 9/2018.

FTSE Russell cho biết Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí "chu kỳ thanh toán" (DvP), hiện được đánh giá là "còn hạn chế" do thông lệ thị trường thực hiện việc kiểm tra trước giao dịch. Tức là, quy định hiện tại yêu cầu nhà đầu tư phải có đủ tiền trong tài khoản trước khi đặt lệnh. Tuy nhiên, theo thông lệ, yêu cầu này là không bắt buộc.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần cải thiện quy trình đăng ký mở tài khoản, cũng như cơ chế tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài giao dịch các chứng khoán đã chạm hoặc gần chạm mức giới hạn tỷ lệ sở hữu.

Mô hình thanh toán không cần ký quỹ trước (non pre-funding) đã được nhóm chuyên gia trong ngành đề xuất với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC). Trước mắt, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68 (hiệu lực từ ngày 2/11) nêu rõ các sửa đổi đối với nhiều quy định khác nhau. Thông tư này loại bỏ yêu cầu ký quỹ 100% trước đối với các nhà đầu tư quốc tế mua cổ phiếu. Thời gian tới, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) sẽ công bố các quy tắc hoạt động chi tiết hơn.

Chứng khoán Việt Nam chưa được nâng hạng  第1张

Nhà đầu tư đang theo dõi thị trường tại trụ sở một công ty chứng khoán ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

FTSE Russell cho biết họ tiếp tục khuyến khích các cuộc họp giữa Việt Nam với cộng đồng đầu tư quốc tế, để đảm bảo các quy tắc này đáp ứng được nhu cầu của các bên tham gia, cả trong và ngoài nước. "Điều quan trọng vẫn là duy trì tốc độ đổi mới nếu Việt Nam muốn đáp ứng được thời hạn mục tiêu nâng hạng vào năm 2025 do Thủ tướng đặt ra", tổ chức này nêu quan điểm.

Những quy chế sửa đổi cần được sớm thống nhất và phổ biến rộng rãi, bao gồm xác định rõ về vai trò và trách nhiệm cần thiết trong mô hình thanh toán, cũng như lộ trình thực hiện với các mốc thời gian cụ thể. "FTSE Russell ghi nhận sự hỗ trợ liên tục của chính phủ Việt Nam với các cải cách thị trường và vẫn đánh giá cao mối quan hệ mang tính xây dựng với Ủy ban Chứng khoán, các cơ quan thị trường khác và Ngân hàng Thế giới", đơn vị cho biết thêm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục được đánh giá xếp hạng vào giữa kỳ tháng 3/2025. FTSE Russell là một trong ba công ty cung cấp chỉ số hàng đầu thế giới gồm MSCI, FTSERussell và S&P Dow Jones Indices, tạo cơ sở tham chiếu cho các nhà đầu tư quốc tế.

Kịch bản chưa được nâng hạng trong năm nay đã được nhiều bên quan sát và chuyên gia trong ngành tính toàn từ trước. Đa số đều đồng thuận sớm nhất là tháng 9/2025, chứng khoán Việt Nam mới được FTSE Russell đưa lên lên thị trường mới nổi thứ cấp.

Theo VinaCapital, điều này giúp thu hút 16 quỹ đầu tư với tổng tài sản 90 tỷ USD đang theo dõi các thị trường mới nổi. Còn SSI Research ước tính, dòng vốn từ các quỹ ETF ngoại vào Việt Nam có thể lên đến 1,7 tỷ USD, chưa tính đến các quỹ chủ động.

Thị trường cũng phản ứng không tiêu cực về thông tin này. Tính đến 14h, VN-Index tăng hơn 10,5 điểm lên sát 1.283 điểm. Hơn 54% cổ phiếu tăng giá với đà dẫn dắt của nhóm bluechip.

Tất Đạt