Hạ tầng càng tốt, người dân đến sinh sống và làm việc càng đông, dẫn đến ùn tắc giao thông.

"Tôi vào TP HCM sinh sống từ năm 1990, lúc đó thành phố chỉ quanh quẩn ở các quận nội thành, còn Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, quận 7, quận 2... thưa dân.

Phương tiện đi lại ít nên mặc dù đường nhỏ vẫn lưu thông thoải mái, chỉ khó khăn khi đi tỉnh. Hiện nay, dù thành phố đã mở rộng đô thị lên gấp nhiều lần, các quận, huyện vùng ven giờ sầm uất hơn cả khu vực trung tâm trước đây, nhưng vẫn kẹt vì lượng người và phương tiện quá đông.

Khó tránh khỏi vấn nạn này khi thành phố càng có điều kiện tốt (đường xá đi lại thoải mái) thì người dân càng sẽ tập trung đến sống và làm việc.

Chỉ khi nào các tỉnh điều kiện sống và làm việc tương đương thì mới kéo giãn người dân quay về, giảm áp lực giao thông cho thành phố".

Với hơn 30 năm sinh sống tại TP HCM, độc giả mtriaudit đưa ra ý kiến như trên, sau bài viết Đường trên cao có chống được kẹt xe khi phương tiện cá nhân vẫn còn?

Độc giả cho ý kiến khác nhau về vấn đề tìm hướng chống kẹt xe bằng đường trên cao. Theo đó, ngoài các tuyến cũ đã quy hoạch, thành phố sẽ phát triển thêm hệ thống đường trên cao ở các trục giao thông chính nhằm giảm ùn tắc, hạn chế giải phóng mặt bằng.

Độc giả Harry Huynh phân tích và nhận định: "Hiện trạng TP HCM rất khác so với các đô thị lớn ở các nước phát triển nên giao thông ở thành phố phức tạp hơn nhiều.

Tôi lấy ví dụ như Sydney hay Melbourne ở Australia làm ví dụ, đô thị của họ có phần lõi (quận trung tâm) và vùng ngoại ô. Trong vùng trung tâm số lượng cư dân sinh sống rất ít, chủ yếu là vài chung cư cao tầng và các khu phố cổ bảo tồn, còn đa số cư dân sống ở các vùng ngoại ô, vùng ven trải rộng hàng chục km đến cả trăm km tính từ tâm.

Vùng trung tâm ưu tiên xây cao ốc văn phòng, thương mại, dịch vụ, cơ quan... nên quy hoạch giao thông khá đơn giản, chỉ cần xe metro chạy vòng quanh một số trạm trong trung tâm và từ trung tâm ra các vùng ngoại ô nên đỡ kẹt xe so với TP HCM. Nói như vậy để thấy bài toán giao thông ở TPHCM vô cùng phức tạp, và giải pháp đường trên cao không thể giải quyết được".

Tuy nhiên, độc giả nickname hongnhungpaticusi cho rằng đây là giải pháp nhanh, rẻ: "Đường trên cao chẳng khác gì bạn có ngôi nhà một tầng nay người đông thêm quá tải phải nâng thêm 3-4 tầng nữa. Đường trên cao là giải pháp cấp bách nhanh và rẻ vì không phải giải phóng mặt bằng nhiều, trong khi chờ phương tiện metro phải hàng chục năm mới có.

Hiện nay các ngã tư lưu lượng giao thông lớn thì phải có ngay đường trên cao hoặc đường ngầm dưới mặt đất để giải tỏa. Hiện nay người ta đổ dồn vào thành phố kiếm sống là vì việc làm, nhưng về lâu dài 50 năm nữa thôi chắc chắn sẽ không còn cảnh này nữa.

Tôi đủ cơ sở để nói vậy vì dân số giảm nhanh là nguyên nhân chính tất yếu. Công nghệ phát triển nhiều việc làm biến mất, được thay thế bằng robot, AI khiến cho lao động đơn giản cần số lượng lao động lớn không còn nữa thì người vào thành phố lớn sẽ giảm, thậm chí đường xá sẽ rất rộng rãi, thông thoáng, nhà cửa cũng không thể cứ lên giá mãi vì thời thế đảo ngược".

Hữu Nghị tổng hợp