Việt Nam đối mặt với những thách thức về chính sách “làm ngay bây giờ” hoặc “không bao giờ” để vượt qua nhiều nguy cơ trước khi dân số già hóa mà chưa kịp giàu lên.

Một sự kiện bỏ lỡ

Năm 2023, Việt Nam có một sự kiện rất đáng ghi nhận trong lịch sử dân tộc là chào đón dịp đất nước tròn 100 triệu dân, nhưng rồi lại bỏ lỡ.

Tổng cục Thống kê từng tính toán, công dân thứ 100 triệu sẽ ra đời vào tháng 4 và lên kế hoạch tổ chức một lễ chào mừng hoành tráng.

Tuy nhiên, sự kiện đó không được diễn ra vì có một số cơ quan khác cho rằng, Việt Nam còn có 5 triệu công dân đang làm việc ở nước ngoài với hàm ý dân số Việt Nam đã vượt qua 100 triệu từ lâu.

Hai cách tính toán với khái niệm và số liệu khác nhau đã không tạo được đồng thuận, và cuối cùng, lễ đón công dân thứ 100 triệu đã bị bỏ qua đầy tiếc nuối.

Dù sao, nội hàm của buổi lễ bị bỏ lỡ đó vẫn rất đáng ghi nhận. Mốc 100 triệu dân diễn ra trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với gần 70% dân số trong độ tuổi lao động. Thời kỳ dân số vàng là cơ hội vàng, có một không hai và chỉ xảy ra một lần trong lịch sử phát triển của một quốc gia.

Với dân số đứng thứ 15, Việt Nam có nguồn lực con người vô cùng to lớn cho phát triển đất nước, cũng như đóng góp cho sự thịnh vượng của thế giới.

Chúng ta cần giàu trước khi già  第1张Thời kỳ dân số vàng là cơ hội vàng, có một không hai và chỉ xảy ra một lần trong lịch sử phát triển của một quốc gia. Ảnh minh hoạ: Nguyễn Huế

Nguồn nhân lực trẻ và sức mua dồi dào đã làm nước ta trở thành tâm điểm trong màn hình ra đa của các nhà đầu tư quốc tế. Vốn FDI đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước.

Với lợi thế trên, cộng với vị trí địa - chính trị đặc biệt, Việt Nam đã trở thành tâm điểm trong ngoại giao quốc tế suốt năm 2023. Chúng ta trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện với 6 quốc gia là đầu tầu kinh tế của thế giới, đã ký 15 FTAs thế hệ mới và trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới.

Ấn tượng ở những con số

Cùng với đà tăng dân số, quy mô của nền kinh tế không ngừng được mở rộng. Theo giá hiện hành, GDP năm 2021 đạt hơn 366 tỷ USD; năm 2022 đạt gần 409 tỷ USD; và năm 2023 ước đạt khoảng 435,4 - 439,5 tỷ USD, theo báo cáo của Chính phủ.

Như vậy, năm 2022, Tổng cục Thống kê tính toán, GDP bình quân đầu người tương đương 4.109 USD/người và tiếp tục tăng lên năm 2023 này.

Theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới, một quốc gia chạm mốc thu nhập trung bình cao khi thu nhập bình quân đầu người 4.045 USD/năm và như vậy, Việt Nam đã chạm ngưỡng của nhóm nước thu nhập trung bình cao vào năm 2022.

Cứ tuần tự mà tiến chúng ta có lẽ sẽ không quá khó để đạt mục tiêu GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD đến năm 2025 và nếu không đạt năm đó thì rồi cũng đạt năm sau, hay năm sau nữa thôi.

Vâng, nghe vậy có vẻ rất thỏa mãn vì nếu cứ từ từ, bình bình chúng ta cũng sẽ đạt hay gần đạt các mục tiêu đã đề ra.

Chúng ta đã có bước tiến bộ đặc biệt trong hơn 3 thập kỷ qua nếu so những thành tựu hôm nay với chúng ta trong quá khứ, khi GDP bình quân đầu người theo giá thực tế năm 1990 là chỉ 98 USD.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn ra thế giới bên ngoài. GDP đầu người của Việt Nam năm 2022 mới chỉ đứng thứ 5 khối Asean, sau Singapore (79.430 USD), Malaysia (13.110 USD), Thái Lan (7.630 USD) và Indonesia (4.690 USD). Bên cạnh đó, GDP bình quân đầu người Việt Nam năm 2022 xếp thứ 117 trên thế giới, theo IMF.

Nhiều quốc gia khác cũng có phát triển vượt bậc, thậm chí, họ còn đi nhanh hơn trong kỷ nguyên số và AI.

Đó là chưa kể, kết quả GDP đầu người như trên đạt được là do một phần không nhỏ nhờ vào hai đợt điều chỉnh quy mô GDP với mức tăng thêm tổng cộng hơn 34% (đợt 1 năm 2011 điều chỉnh tăng hơn 9%, và đợt 2 năm 2019 điều chỉnh tăng 25,4%). Nếu không có điều chỉnh nói trên thì GDP đầu người của chúng ta hiện chỉ có khoảng 2.700 đô la mà thôi.

Nguy cơ tụt hậu

Năng suất lao động, một trong những chỉ số thể hiện cạnh tranh quốc gia, của Việt Nam đã được cải thiện và đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước trong khu vực ASEAN có trình độ phát triển cao hơn.

Tuy vậy, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 đạt 20,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,4% mức năng suất lao động của Singapore; 35,4% của Malaysia; 64,8% của Thái Lan, theo số tuyệt đối tính theo sức mua tương đương năm 2017.

Chúng ta cần giàu trước khi già  第2张Thúc đẩy tăng năng suất lao động là vấn đề cốt lõi hiện nay ở Việt Nam. Ảnh minh hoạ: Thạch Thảo

So với các nền kinh tế phát triển có quy mô lớn, năng suất lao động của Việt Nam bằng 15,4% của Mỹ; 19,1% của Pháp; 21,6% của Anh; 24,7% của Hàn Quốc; 26,3% của Nhật Bản và 59% của Trung Quốc.

So sánh năng suất lao động của Việt Nam với các nước cho thấy chúng ta đang phải đối mặt với thách thức rất lớn để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới trong thời gian tới.

Đối với Việt Nam, cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là vấn đề cốt lõi hiện nay, là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.    

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng đang trên đà suy giảm. Trong kế hoạch phát triển 10 năm lần thứ nhất (1991- 2000) tốc độ tăng GDP bình quân là 7,56%; trong 10 năm thứ hai (2001-2010) tăng trưởng bình quân là 6,61%;  và trong 10 năm lần thứ 3 (2011-2020) đạt 6%; và hiện nay 3 năm đầu của 10 năm lần thứ tư dự kiến 5,6%.

Nếu muốn đạt mục tiêu nhiệm kỳ (2021-2015) trung bình 7% mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra, thì năm 2024 và 2025 phải đạt trung bình 9%/năm, một mốc rất cao mà nước ta chỉ có được một vài năm đầu thập kỷ 90 khi nền kinh tế bung ra sau Đổi mới.

Trong năm 2024, Nghị quyết của Quốc hội đề ra mục tiêu tăng trưởng là 6-6,5%. Một lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải thích, trước đây Chính phủ thường đặt mục tiêu, nhiệm vụ là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trước tiên sau đó mới đến các giải pháp khác. Trong năm 2024, Quốc hội đã quyết nghị ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước nội dung ổn định kinh tế vĩ mô.

“Điều đó cho thấy quyết tâm của toàn hệ thống cũng như của Chính phủ về việc thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phục hồi và bù đắp lại những hạn chế, giảm sút trước đây do tác động khách quan của đại dịch COVID-19 cũng như các tác động của kinh tế thế giới trong năm 2023”, ông nói.

Như vậy, với quyết tâm đề ra rất cao thì cũng sẽ rất khó để đạt mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 5 năm như đã đề ra.

Tránh định mệnh “chưa giàu đã già”

Cách đây môt thời gian, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra cảnh báo, Việt Nam đã trở thành một xã hội bắt đầu giai đoạn già hoá vào năm 2015 và dự báo sẽ già hóa vào năm 2035, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới.

Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đã đạt đỉnh điểm vào năm 2014 và dự kiến sẽ giảm trong những thập kỷ tới dù cửa sổ cơ hội về nhân khẩu học sẽ tiếp tục mở cho đến năm 2042. Quá trình già hóa đã bắt đầu và được dự báo sẽ tăng tốc. Năm 2014, số người cao tuổi (65 tuổi trở lên) đạt 6,31 triệu người (6,7% dân số) và các dự báo theo kịch bản tỷ suất sinh trung bình cho thấy đến năm 2049, số người cao tuổi sẽ tăng mạnh lên 19,6 triệu người — tăng hơn gấp ba lần so với năm 2014 — và sẽ chiếm khoảng hơn 18% dân số.

Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 40% mức trung bình toàn cầu và còn lâu mới bắt kịp các quốc gia so sánh có cùng khát vọng trong khu vực và đạt được mức cao hơn mức thu nhập trung bình vào năm 2035.

Điều đáng nói là định chế này dự báo rằng, nếu không có cải cách, tăng trưởng dài hạn sẽ chậm lại trong giai đoạn 2020–2050, giảm 0,9 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng trong 15 năm vừa qua, chủ yếu là do sự già hóa của xã hội Việt Nam.

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội vừa rồi, Chính phủ đã nêu về thách thức rất lớn: khả năng vượt qua bẫy thu nhập trung bình và bắt kịp về trình độ phát triển với thế giới, khu vực tiếp tục là thách thức lớn nếu không có sự đột phá mạnh mẽ. Tốc độ già hoá dân số nhanh, chênh lệch giàu-nghèo,… diễn biến khó lường, khó dự báo hơn.

Cách đây hơn 30 năm, Nghị quyết Đại hội VII của Đảng đã lần đầu tiên nêu nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nguy cơ này đã được liên tiếp nêu lại trong các Nghị quyết Đại hội Đảng tiếp theo cho thấy tụt hậu vẫn đang đeo bám dù chúng ta đã đạt dân số vàng và tăng trưởng khá cao.

Vì vậy, với mục tiêu đầy hoài bão là trở thành một nước có thu nhập cao vào năm 2045, và với quỹ đạo nhân khẩu học hiện tại, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức về chính sách “làm ngay bây giờ hoặc không bao giờ” để vượt qua “nguy cơ” đó, trước khi dân số già hóa mà chưa kịp giàu lên.

Hy vọng rằng bất kỳ chính sách nào đều phải được thiết kế để tránh nguy cơ tụt hậu đã được xác định trong suốt hơn 3 thập kỷ nay để đưa đất nước đến hùng cường, thịnh vượng.

Tư Giang

Chúng ta cần giàu trước khi già  第3张 Chưa giàu đã giàNếu tìm hình ảnh khắc họa tình cảnh người lao động sau hai năm đại dịch, có lẽ không nơi nào phù hợp hơn trụ sở bảo hiểm xã hội (BHXH). Từ năm 2021 đến nay, những cơ quan này luôn túc trực hàng dài người lao động thức trắng đêm chờ lấy BHXH một lần.