TP HCMBà Trương Mỹ Lan cho biết đồng ý dùng hàng trăm tài sản của gia đình, tập đoàn để khắc phục hậu quả cho trái chủ, trong đó có "siêu dự án" tại tứ giác trung tâm quận 1.

"Bấy lâu nay bị cáo tính số tiền bồi thường cũng đã được khoảng 40.000 tỷ đồng rồi, nhưng tiền chưa tới tay bị hại. Bị cáo không muốn người mua trái phiếu phải lo lắng nên đồng ý bán rẻ dự án để có tiền khắc phục cho trái chủ", Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan nói trong phần trả lời các luật sư của mình, ngày 24/9.

Tại ngày thứ 4 diễn ra phiên xử, sau khi tòa và VKS thẩm vấn, đến phần các luật sư hỏi bà Lan để làm rõ các sai phạm, cũng như khả năng khắc phục 30.000 tỷ đồng thiệt hại cho 35.824 trái chủ đã mua các gói trái phiếu khống do bị cáo và đồng phạm phát hành.

Bà Trương Mỹ Lan muốn dùng 'siêu dự án' khu tứ giác khắc phục cho trái chủ  第1张

Bà Trương Mỹ Lan tại tòa. Ảnh: Quỳnh Trần

Bà Lan bị cáo buộc đưa ra chủ trương sử dụng các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu. Bà đã họp bàn với các nhân sự chủ chốt của Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, Công ty chứng khoán Tân Việt - TVSI chọn và sử dụng 4 công ty thuộc tập đoàn là: An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu khống với tổng khối lượng 308.691 triệu trái phiếu để huy động vốn, chiếm đoạt tiền.

"Bị cáo khẳng định bản thân và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không có nhu cầu phát hành trái phiếu", bà Lan nói và một lần nữa nhắc lại lời khai chỉ cho SCB mượn các công ty để phát hành trái phiếu, xử lý khó khăn về tài chính.

Khi luật sư Phan Trung Hoài hỏi về thực trạng SCB, bà Lan cho biết mình chỉ là một cổ đông, không trực tiếp điều hành, không biết về vấn đề tài chính của ngân hàng này. "Bị cáo chỉ biết ngày nào cũng có người nói 'chị ơi SCB thiếu tiền, chị ơi cần đưa thêm tài sản'", bà Lan nói.

Chủ tịch Vạn Thịnh Phát phân trần đã dốc hết tâm huyết vào việc tái thiết SCB, đã huy động gia đình, bạn bè trong và ngoài nước để có tài sản đưa ngân hàng này thoát khỏi cảnh khó khăn. Do đó, khi được Nguyễn Phương Hồng nói cho mượn pháp nhân của Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu đã đồng ý.

"Bị cáo rất ân hận vì cho mượn những công ty ấy để phát hành trái phiếu dẫn đến hàng nghìn người dân phải khổ sở mất tiền, chứ không phải ân hận vì chiếm đoạt tài sản của người dân. Bị cáo xin chịu mọi trách nhiệm về hậu quả xảy ra", bà Lan trình bày.

Bà Trương Mỹ Lan muốn dùng 'siêu dự án' khu tứ giác khắc phục cho trái chủ  第2张

Vị trí "siêu dự án" Amigo ở khu tứ giác vàng. Đồ Hoạ: Đăng Hiếu

Đề nghị dùng 'siêu dự án' Amigo và hàng trăm tài sản khắc phục hậu quả

Trình bày trước tòa về phương án khắc phục hậu quả cho các trái chủ, bà Lan nói ngoài 21.000 tỷ đồng thu hồi trong giai đoạn một, quá trình điều tra giai đoạn 2, gia đình bà và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã nộp được hơn 386 tỷ đồng. Bà tiếp tục đề nghị tòa thu hồi hơn 17.000 tỷ đồng mà một số ngân hàng đã thụ hưởng -có nguồn gốc từ tiền phát hành trái phiếu.

"Việc thu hồi số tiền này có thể giúp khắc phục cho các trái chủ nhanh nhất. Còn nếu có phát sinh tranh chấp mà các tổ chức tín dụng này với SCB thì tôi chịu trách nhiệm đứng ra giải quyết sau", bà Lan nói.

Bà Trương Mỹ Lan muốn dùng 'siêu dự án' khu tứ giác khắc phục cho trái chủ  第3张

Dự án Amigo nằm đối diện tòa nhà Times Square (màu xanh) được bà Lan đề nghị dùng để khắc phục hậu quả thiệt hại cho trái chủ. Ảnh: Quỳnh Trần

Luật sư đề nghị trình bày cụ thể hơn về nguyện vọng muốn sử dụng tài sản, dự án bất động sản để khắc phục thiệt hại cho trái chủ, bà Lan nói đồng ý sử dụng tài sản thuộc sở hữu của cá nhân và gia đình (khoảng gần 300 tài sản) để khắc phục. Cụ thể, bà sẽ sử dụng một trong các dự án từng đề cập trong phần trả lời thẩm vấn của HĐXX chiều 23/9 đó là Dự án Amigo (khu tứ giác Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng tại quận 1).

Theo bà Lan, đây là dự án được Chính phủ cho chủ trương đầu tư, đã đền bù suốt 30 năm qua và "chỉ còn khoảng mười mấy % nữa là hoàn tất". "Bị cáo đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào hợp tác, và trước khi bị cáo bị bắt thì Chính phủ đã đồng ý cho tái khởi động dự án", bà Lan nói, thêm rằng cũng đang cho SCB mượn mấy chục sổ đỏ, còn lại khoảng 100 sổ đỏ bị kê biên trong giai đoạn một.

"Dự án nằm đối diện với Times Square trên đường Nguyễn Huệ, dự kiến sẽ là một công trình tầm cỡ quốc tế. Bị cáo đồng ý mang Amigo ra để khắc phục hậu quả vụ án", bà Lan nói và đề nghị tòa cùng các cấp hỗ trợ "hồi sinh dự án".

"Siêu dự án" Amigo có tổng diện tích 11.158 m2 (trong đó đất thuộc sở hữu cá nhân, tư nhân 8.342 m2, Nhà nước đang quản lý hơn 2.815 m2). Đến nay nhà đầu tư đã thỏa thuận, đền bù cho các hộ dân với diện tích 7.931 m2. Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 2.019 m2; 5.912 m2 đất nhà đầu tư đã ký biên bản thỏa thuận với các hộ dân.

Bà Trương Mỹ Lan muốn dùng 'siêu dự án' khu tứ giác khắc phục cho trái chủ  第4张

Các bị cáo bên ngoài phòng xử, theo dõi diễn biến phiên tòa qua màn hình. Ảnh: Quỳnh Trần

Ngoài ra, theo bà Lan, tòa nhà Vietcombank (khu Công trường Mê Linh) trước đây có giá 2.000 tỷ đồng, nhưng hiện nay giảm chỉ còn khoảng một nửa và bà cũng chấp nhận bán rẻ cho ngân hàng này. Thỏa thuận mua bán đã được thực hiện chỉ còn hoàn thiện thủ tục và chờ tiền về.

Về dự án 6A rộng khoảng 26 hecta tại khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh, theo bà Lan là "rất có giá trị". Dự án này thuộc Vạn Thịnh Phát đã đền bù giải phóng mặt bằng 20 năm nay, chỉ còn khoảng một ha.

"Trước đây nhiều đối tác đã tìm hỏi mua với giá 30.000-50.000 tỷ nhưng bị cáo không bán, cố gắng đợi hoàn thiện chút nữa. Nhưng giờ bị cáo không muốn người dân lo lắng nên chấp nhận bán rẻ. Chỉ cần đối tác cũ trả 20.000 tỷ bị cáo cũng OK luôn", bà Lan nói và đề nghị SCB trả lại dự án này cùng 65 tài sản khác đã cho cho mượn trước đó.

Đối với tòa nhà 29 Liễu Giai, bà Lan nói đây là "tòa nhà đẹp nhất Hà Nội có giá trị một tỷ USD" và đang nợ ngân hàng nước ngoài 250 triệu USD. Hiện có người trả giá 330 triệu USD nhưng phải ưu tiên trả nợ cho ngân hàng nước ngoài nên cũng không còn được bao nhiêu. "Bị cáo đang mong muốn tìm nhà đầu tư trả mức giá cao hơn để khắc phục hậu quả", bà Lan nói.

Trả lời câu hỏi của luật sư Nguyễn Huy Thiệp sau đó về việc "có từng học luật không", bà Lan bật cười, nói: "Nếu bị cáo được học luật chắc đã không đứng tại tòa ngày hôm nay". Tiếp đó, bà cũng cho rằng, bản thân không có ý định chiếm đoạt tiền của trái chủ. Bởi nếu có ý định chiếm đoạt thì người thân, bạn bè của bà đã không mua 5.000 tỷ đồng trái phiếu.

Phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi của luật sư đối với các bị cáo khác.

Trong giai đoạn hai của đại án, ngoài hành vi trên, bà Lan và đồng phạm bị cáo buộc hành vi "rửa" 445.747 tỷ đồng, vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD (tương đương 106.730 tỷ đồng) qua biên giới.

Hải Duyên