Biên đạo xuất sắc tại Liên hoan Múa quốc tế kể về quá khứ hái măng, đánh cá
(Dân trí) - Trước khi trở thành một biên đạo múa xuất sắc, Hải Trường có một tuổi thơ không mấy êm đềm khi cha mẹ ly hôn, anh phải đi làm thêm từ sớm để đỡ đần mẹ.
Tại Liên hoan Múa quốc tế 2024 do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, biên đạo múa Nguyễn Hải Trường đã mang tác phẩm Nàng Mây đi biểu diễn.
Tại liên hoan, vở thơ múa này đã được trao Huy chương vàng còn Hải Trường giành giải Biên đạo xuất sắc.
Hình ảnh trong vở múa "Nàng Mây" (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Theo Hải Trường, Nàng Mây khai thác câu chuyện về làng nghề mây tre đan truyền thống.
Bằng chất liệu múa dân gian kết hợp với múa đương đại, Hải Trường kể câu chuyện về đời sống văn hóa Việt, lan tỏa vẻ đẹp của làng nghề, nơi chứa đựng tâm hồn, sự bền bỉ, khéo léo, mộc mạc nhưng không kém phần tài hoa, tinh tế của những người thợ giữ nghề truyền thống.
Tác phẩm cũng truyền tải thông điệp gìn giữ bản sắc và phát triển bền vững nghề truyền thống, đồng thời nâng tầm sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt ra quốc tế, đóng góp vào việc làm và kinh tế cho người dân làng nghề.
Hải Trường tâm sự, văn hóa các dân tộc và vùng miền đa dạng, nhưng nhiều nghệ sĩ và biên đạo tiền bối đã khai thác tốt. Vì thế, anh gặp nhiều áp lực khi theo đuổi đề tài này.
"Chúng tôi phải đi thực địa, tìm hiểu phong tục tập quán hay văn hóa đặc trưng của từng vùng đất, từ đó xây dựng tác phẩm có góc nhìn sâu sắc hơn và không đi theo lối mòn.
Tôi quan niệm, sáng tạo nhưng trong khuôn khổ cho phép, đưa ra tác phẩm mà bản thân người bản địa, chủ thể văn hóa ấy không nhận ra là bất lợi", anh nói.
Hải Trường quê ở Quảng Trị, vì bố mẹ chia tay nên suốt tuổi thơ anh thiếu vắng tình cảm của cha. Hải Trường lớn lên bằng những đồng tiền đẫm mồ hôi bởi mẹ làm phụ hồ, còn anh thì lăn lộn hái măng, đánh cá.
"Tuy nhiên, tuổi thơ vất vả đã rèn tôi thành một người cứng cỏi, sống độc lập sớm. Khi bắt đầu học lớp 11, tôi ra Hà Nội thi vào trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) nhưng không thành công.
Sau khi hoàn thành lớp 12, tôi tiếp tục đăng ký và trúng tuyển. Sau đó, tôi học thêm chuyên ngành biên đạo múa tại Học viện Múa Việt Nam và thấy mình đã chọn đúng nghề", Hải Trường nói.
Gắn bó với nghề biên đạo múa suốt 12 năm, Hải Trường nổi bật với các sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng, phản ánh mối quan hệ giữa con người trong cuộc sống hằng ngày, không gian tâm linh, phong tục tập quán và sắc màu văn hóa của các vùng miền, dân tộc.
Hải Trường cho hay, anh đi khá nhiều nơi, học được nhiều nét văn hóa của vùng miền. Đến đâu, anh cũng rất quan tâm tới đặc trưng, bản sắc, không gian văn hóa, tín ngưỡng, cũng như đời sống con người ở mỗi dân tộc, để tìm những điểm đặc trưng, sáng tạo cho tác phẩm.
"Khi khai thác đề tài dân gian, dân tộc cho tác phẩm múa, tôi đều tới tận nơi tìm hiểu nét độc đáo, đặc trưng của dân tộc ấy.
Thông qua tư liệu, hình ảnh và cảm nhận trực tiếp không gian văn hóa, đời sống dân tộc, tôi nghệ thuật hóa những chi tiết ấy để đưa lên sân khấu. Tôi vẫn chú ý sao cho không xa lạ với đồng bào dân tộc, để họ sẽ thấy chính mình trong đó", anh bộc bạch.
Biên đạo múa Hải Trường còn tham gia giảng dạy tại Học viện Múa Việt Nam (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Hải Trường hiện giảng dạy tại Học viện Múa Việt Nam (Hà Nội). Anh cũng tập hợp những diễn viên múa tài năng cùng nhau làm nghề và sáng tạo.
Trước Nàng Mây, anh sáng tạo tác phẩm và đạt nhiều giải cao chuyên ngành như: Giải A cuộc thi Tác phẩm múa các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2016 với tác phẩm Lễ bỏ mả; Giải C giải thưởng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam năm 2017 với tác phẩm Một ngày trên bản… Anh từng đạt giải nhất với tác phẩm Cuội già ở cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo múa 2019.
Năm 2020, tác phẩm Côn Đảo ngày trở về của Hải Trường lại giành giải B Tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.
Đăng thảo luận