Có thể khẳng định, ngày nay bất cứ hội thảo quốc tế hay dự án nghiên cứu lớn nào về phòng chống ngập, lũ lụt đều có tham khảo kinh nghiệm Hà Lan - quốc gia với một phần ba diện tích thấp hơn mực nước biển.
Kè chắn di động lớn nhất thế giới tại Hà Lan - Ảnh: ROTTERDAMEXPERIENCE
Bởi Hà Lan không chỉ có kinh nghiệm thiên niên kỷ chống ngập lụt mà còn ứng dụng đúng đắn khoa học kỹ thuật hiện đại, khả năng quản trị tuyệt vời cùng ý thức rất cao của người dân để trị thủy thành công như là hình mẫu cho thế giới.
Kinh nghiệm và thành quả ngàn năm trị thủy
Biến đổi khí hậu những năm gần đây đã làm cho nhiều nước phát triển ở châu Âu cũng oằn mình với lũ lụt, mà gần nhất là trận "đại hồng thủy" đầu tháng 6 vừa qua ở miền Nam nước Đức. Tuy nhiên, trong khi đó, Hà Lan lại không hề bị ảnh hưởng gì nặng nề. Các cánh đồng hoa hướng dương xứ cối xay gió vẫn nở rực, du khách vẫn vui chơi, từ thành phố đến nông thôn Hà Lan vẫn bình yên. Vì sao vậy?
Điều đầu tiên không thể không nhắc lại là quốc gia này đã thành công trong việc xây dựng hệ thống đê vĩ đại vô cùng hiệu quả, thậm chí đã được xem là "kỳ quan thứ 8" của nhân loại. Những vùng đất thấp của Hà Lan vốn là những đồng bằng được phù sa bồi lắng qua hàng triệu năm.
Hơn 1.000 năm trước những cư dân sống ở đây đã biết hợp nhau đào đắp nên những vùng đất cao như đồi nhân tạo để dựng nhà cửa sinh sống. Khi nước biển dâng lên (hay do đất đai bị sạt, lún), họ lại tiếp tục đào đắp nơi ở cao hơn. Nhiều ngọn đồi nhân tạo như thế ngày càng xuất hiện nhiều hơn và hợp với nhau thành làng rồi thành phố. Người dân cũng biết hợp sức mạnh tập thể để đắp những con đê vừa chắn nước vừa làm đường di chuyển...
Bao giờ rốn lũ Hà Nội hết ngập - Kỳ 4: Có cách nào phòng chống lũ lụt cho Chương Mỹ?
Bao giờ rốn lũ Hà Nội hết ngập - Kỳ 3: Nửa năm chăm bẵm, thiệt hại một đêm vì lũ về
Bao giờ rốn lũ Hà Nội hết ngập - Kỳ 2: 'Lũ rừng ngang' đổ nước về Hà Nội
Ban đầu, những con đê bằng đất ở Hà Lan chỉ cao khoảng 1m, dần dần được bồi đắp thêm để chống chọi sức nước. Sau năm 1000, chiều dài cũng như kích cỡ các con đê này ngày càng lớn dần theo đà tăng dân số và cần thiết để bảo vệ làng mạc, cánh đồng trồng trọt.
Đến khoảng giữa thế kỷ 12, hầu hết các tuyến đê ở Hà Lan đã kiên cố và kết nối với nhau thành hệ thống. Đặc biệt, nương theo phù sa và cát bồi lấn biển, họ lại dần dần tiếp tục xây dựng những tuyến đê mới bên ngoài đê cũ để vừa lấn thêm được đất đai vừa có thêm lớp "tường thành" chống ngập lụt hiệu quả.
Từ thời Trung cổ ở Hà Lan, sự biết hợp sức người để cùng nhau kiên trì trị thủy đã đem lại kết quả vượt trội so với nhiều nơi khác trên thế giới. Trong khi nhiều nước khác, người dân vùng lũ lụt thường chọn cách di tản dần đến nơi cao hơn, thì người Hà Lan ở lại để sống chung với ngập lụt bằng các công trình trị thủy được xây dựng từ sức người. Và tổ tiên họ đã có câu truyền đời này một cách đầy tự hào: "Chúa tạo ra trái đất, nhưng chính người Hà Lan tạo ra đất nước Hà Lan".
Kỹ thuật đắp đê của Hà Lan cũng phát triển theo thời gian. Từ ban đầu là những con đê đất được đắp thêm rong biển hay lau sậy, liễu gai, gỗ bảo vệ bên ngoài, đến thời hiện đại họ đã ứng dụng khoa học để kết hợp nhiều loại đất đá, vật liệu, bê tông, kể cả thảm xanh để ngày càng kiên cố hệ thống đê của mình trước sức nước.
Những công trình trị thủy "kỳ quan thứ 8"
Sang thế kỷ 20, Hà Lan có các công trình trị thủy lớn nhất mọi thời đại và là niềm tự hào "kỳ quan thứ 8" của quốc gia. Trong đó, hệ thống đê chắn Biển Bắc, gồm công trình Zuiderzee được khởi công năm 1923, chắn vịnh Zuiderzee dài 100km.
Khi hoàn tất, Zuiderzee là một công trình đập kín nhân tạo dài 32km, rộng 100m và cao 8m để ngăn nước Biển Bắc tràn vào vịnh Zuiderzee. Công trình quy mô này đã biến nơi đây thành một hồ nước ngọt khổng lồ cùng hơn 1.500km2 đất đai mới an toàn để phát triển các đô thị hiện đại cũng như khu nông nghiệp kinh tế cao.
Ngoài ra, Hà Lan cũng đồng thời xây dựng các công trình đê, kè trị giá lên đến 7 tỉ USD bảo vệ vùng châu thổ. Tất cả có 13 đê, kè lớn nhỏ; đặc biệt kè chắn bão đông Schelde mang tên Oosterscheldekering là công trình vô cùng quy mô với chiều dài 3km, gồm 62 cửa thép mà mỗi cửa rộng đến 42m, nặng 300-500 tấn. Hệ thống cửa này được kiên cố bởi 65 cột bê tông cao 35-39m và nặng khoảng 18.000 tấn.
Một con đường bê tông để xe chạy cũng được xây dựng ngay trên những cánh cửa này. Thời điểm bão hay nước biển dâng cao, các cánh cửa thép được đóng lại để bảo vệ vùng đất đai, thành phố bên trong, nhưng khi thời tiết và thủy lưu bình thường thì những cánh cửa này được mở để thuận với tự nhiên.
Ngoài đối phó hiệu quả với nước biển tàn phá vùng đất thấp, Hà Lan cũng thành công trong việc trị thủy bên trong, mà cụ thể là lũ lụt vùng châu thổ bởi ba con sông lớn Rhine, Meuse và Schelde. Cũng như đắp đê chắn nước biển, từ ngàn đời dân tộc Hà Lan đã kiên trì đắp đê, dựng kè ngăn lũ từ các con sông nước ngọt.
Về cơ bản, hệ thống chắn nước nhân tạo này cũng thành công cơ bản để Hà Lan phát triển. Tuy nhiên, vài thập niên gần đây, hệ thống đê, kè chắn nước sông của họ cũng nhiều lần thất bại trước các trận lũ lụt lớn như đã diễn ra vào năm 1993, 1995, nên Hà Lan đã có sự thay đổi.
Đê biển Houtribdijk hoàn thành vào năm 1975 của Hà Lan - Ảnh: ROTTERDAMEXPERIENCE
Linh hoạt "lấy chỗ cho nước"
Thay vì chỉ triệt để làm đê, kè ngăn nước, Hà Lan đã thực hiện các công trình trị thủy (như "sống chung với lũ" ở Việt Nam) mang tên Lấy chỗ cho nước (Room for the river) lên đến gần 3 tỉ USD để vừa mở mang không gian, khơi thông dòng chảy ra biển, vừa nạo vét, đào thêm những khu vực trữ tiêu nước.
Chương trình Lấy chỗ cho nước của Hà Lan không cứng nhắc một hình mẫu nào mà thay đổi linh hoạt tùy đặc điểm từng địa phương với mục tiêu chung là mở mang thêm không gian cho nước lũ thoát ra biển.
Các giải pháp được linh hoạt thực hiện như nạo vét sông, khơi rộng bờ, di chuyển đê ra xa thêm bờ sông để có thêm diện tích cho nước chảy, tháo bỏ những công trình cản dòng nước, và tùy nơi có thể đắp thêm chiều cao đê hoặc giảm, bỏ trạm bơm hoặc lắp thêm trạm bơm...
Chẳng hạn họ đào con kênh song song dòng sông để tăng thêm dòng chảy, vùng đất giữa con kinh đào và sông như một hòn đảo dài vừa có chức năng đê vừa là đường, kể cả nơi sinh sống của con người. Trước đây, việc tiêu thoát nước nhanh nhờ sức cối xay gió, Hà Lan ngày nay đã có thêm các trạm bơm khổng lồ.
Một bài báo không thể nào kể hết sự thành công của người Hà Lan trong việc trị thủy, nhưng tóm lại họ gặt hái được những kết quả đáng ngưỡng mộ đó nhờ các nguyên tắc cốt lõi: kế thừa thành quả 1.000 năm trị thủy của tổ tiên; biết ứng dụng đúng đắn khoa học kỹ thuật; và có sự đầu tư rất lớn.
Đặc biệt, trong quản trị các chương trình vĩ đại này, họ đã lập ra các hội đồng nước không thuộc chính phủ để có thể phản ứng nhanh, huy động tài lực của người dân thuận lợi hơn chính quyền.
Mô hình hội đồng nước này khác hẳn với nhiều nước vốn dựa vào chính quyền thường quan liêu, chậm chạp và hay bị dân không ủng hộ...
Ý thức cao của người dân Hà Lan
Đặc biệt, trong việc chống ngập lụt hiệu quả ở Hà Lan, còn phải kể đến sự đồng lòng và ý thức rất cao của người dân. Trên các sông, hồ nước này, người ta không bao giờ thấy một thứ gì nhân tạo do con người bỏ xuống để cản trở dòng chảy và bồi lắng như nạn xả rác thẳng xuống sông ở nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam.
Người Hà Lan cũng hoàn toàn không có chuyện xâm hại các đê đập như người dân ở nhiều quốc gia thường lấn chiếm để xây dựng nhà cửa, canh tác nông nghiệp, thậm chí lấy trộm đất đá về... đắp nhà mình.
Đăng thảo luận