Kể về 'anh cả tí hon' PicoDragon, PGS.TS Phạm Anh Tuấn - tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC, thuộc Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - VAST) - lại 'đau tim'.

Anh cả tí hon và giấc mơ to đùng  第1张

PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Ảnh: ĐẬU DUNG

Thư gửi người trẻ

Họ ngồi đó, trong vùng thời gian tựa hồ đã phẳng lặng. Này đồi mồi, đuôi mắt chân chim, đến cả giọng nói cũng trầm thật trầm; cùng nhau kể về hồi ức hai mươi yêu dấu.

Dù dạng nào, phỏng vấn, tự bạch hay ghi chép, những tâm tình, gửi gắm của họ cũng giống như những bức thư tình dành cho quê hương và các bạn trẻ.

Nặng 1kg nhưng nó từng mang cả giấc mơ "to đùng" của lớp thanh niên Việt Nam những năm đầu 2000 lên vũ trụ. 

PicoDragon là tên vệ tinh siêu nhỏ được VNSC phát triển, được phóng thành công vào quỹ đạo từ Trạm Vũ trụ quốc tế vào ngày 19-11-2013. Đây là vệ tinh "made in Vietnam" đầu tiên hoạt động thành công trong không gian.

Nước ta nghèo, chưa đủ điều kiện để phát triển những vệ tinh siêu to, đắt tiền. Vậy ta cứ đi từng bước, bắt đầu từ những con vệ tinh siêu nhỏ, phục vụ cho nước mình cái đã.

PGS.TS PHẠM ANH TUẤN

Chuyện chú Phạm Tuân, đi rồi trở về

Từ một đất nước mới ra khỏi chiến tranh, nghèo nàn, lạc hậu, cậu thanh niên 19 tuổi Phạm Anh Tuấn sang Đức học kỹ thuật máy theo diện Nhà nước cử đi học và tháng 6-1980 chính thức đến trường nhập học.

Ngày 23-7 cùng năm, tin tức phi công Phạm Tuân cùng với nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Vassilyevich Gorbatko bay vào vũ trụ khiến cả Việt Nam xôn xao. Cánh sinh viên Việt Nam ở Đức cũng không ngoại lệ.

"Khi vũ trụ vẫn là điều gì đó mờ mịt với người Việt thì có một người Việt Nam đã bay vào và chinh phục nó. Quá ngạc nhiên và rất tự hào", ông Tuấn kể. Chính "chú Phạm Tuân" đã truyền một cảm hứng lớn có lẽ không chỉ cho một mình ông mà cả một lớp thanh niên hồi đó.

Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về điều khiển robot năm 1986, Phạm Anh Tuấn về nước đầu quân cho Viện Cơ học (VAST).

Năm 1990, ông trở lại Đức theo lời rủ rê của giáo sư cũ, làm việc tại Viện Cơ điện tử Đức - không chỉ nghiên cứu về robot mà còn cả thiết kế, mô phỏng các hệ thống cơ điện tử, vũ trụ, máy bay…

Tưởng cuộc đời "xuôi chèo mát mái", yên ổn ở Đức cùng vợ con thì tới năm 2000 ông Tuấn quyết định đưa cả gia đình về Việt Nam vì "đã tới lúc cần trở về, để hai đứa con biết chúng là người Việt, về để biết văn hóa Việt Nam".

Giấc mơ to đùng

PicoDragon không chỉ là kỷ niệm đặc biệt với ông Tuấn mà còn là "giấc mơ Việt Nam" được khởi đi từ hai thập niên trước, gắn với khát vọng làm chủ công nghệ vệ tinh của những người đặt nền móng cho ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam.

Khoảng năm 2004 - 2005, Chính phủ nhận thấy đã đến lúc Việt Nam phải phát triển vệ tinh riêng của mình. Trước đó, nước ta vẫn có nhiều hoạt động ứng dụng ảnh vệ tinh của các nước. VAST được giao lập chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ giai đoạn 2006 - 2020.

Nhưng Việt Nam khi đó "bói" không ra một người đúng chuyên ngành, đặc biệt về thiết kế, chế tạo vệ tinh. VAST chỉ còn cách đi tìm người "từng có liên quan" và Phạm Anh Tuấn - lúc đó là trưởng phòng cơ điện tử của Viện Cơ học - được điều về làm một trong hai phó viện trưởng của Viện Công nghệ vũ trụ (thành lập tháng 11-2006).

Ông Tuấn đã gấp rút lên đường đi thăm các cơ sở nghiên cứu và đào tạo vũ trụ của Mỹ, trong đó có Trung tâm Vũ trụ NASA tại Houston, sau nữa là Trung tâm Vũ trụ Tsukuba của JAXA (Nhật Bản).

Sau chuyến đi đó một năm, ông đề xuất xây dựng Trung tâm Vũ trụ quốc gia, được chủ tịch VAST ủng hộ ngay. Ngày 18-8-2008, VAST thỏa thuận hợp tác với đơn vị tư vấn Nhật Bản để lập báo cáo tiền khả thi cho dự án này.

Sau khi được Chính phủ đồng ý, ngày 16-9-2011 Trung tâm Vệ tinh quốc gia thuộc VAST ra đời, sau đổi tên thành Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, đánh dấu việc hiện thực hóa giấc mơ.

ĐỌC THÊM
  • 120 nhà khoa học thế giới thảo luận về vũ trụ học
  • Bình Định xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ, hàng không

Cũng trong chuyến đi ấy, đoàn may mắn gặp giáo sư Bob Twiggs (Đại học Stanford) - "cha đẻ'' của dòng vệ tinh Cubesat siêu nhỏ.

Ông Bob nói: "Các bạn nên bắt đầu từ việc chế tạo các vệ tinh Cubesat. Xu hướng hiện nay là làm vệ tinh ngày càng bé lại, tích hợp nhiều công nghệ và tiết kiệm chi phí". Những người nghiên cứu trẻ Việt Nam như tìm được "ánh sáng".

Năm 2007, nhóm nghiên cứu bắt tay vào thiết kế, chế tạo vệ tinh "made in Vietnam" đầu tiên với sự hỗ trợ kỹ thuật của JAXA. PicoDragon (còn gọi là Rồng siêu nhỏ) là kết quả của quá trình đó.

Hình ảnh vệ tinh PicoDragon bay vào vũ trụ giống như con rồng bay lên trời cao mang theo tâm huyết, ước mơ chinh phục không gian của những người trẻ mong được cống hiến khi đó. Thành công của "anh cả" PicoDragon đã mở đầu cho những thế hệ em út "Dragon" sau này như MicroDragon, NanoDragon...

Anh cả tí hon và giấc mơ to đùng  第2张

Đồng hành cùng PicoDragon năm 2013 là 3 vệ tinh siêu nhỏ do Mỹ chế tạo và 1 robot biết nói của Nhật Bản - Ảnh: VNSC

Việt Nam "phiêu lưu ký" trong không gian

Hiện vệ tinh LOTUSat-1 (khoảng 570kg) đã được chế tạo xong, dự kiến phóng lên quỹ đạo đầu năm sau tại Nhật Bản, bàn giao cho Việt Nam 3 tháng sau đó. Đây là vệ tinh quan sát Trái đất dùng cảm biến ra đa có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, kể cả ngày lẫn đêm, phục vụ việc ứng phó giảm thiểu các tác động của thảm họa thiên nhiên, phòng chống biến đổi khí hậu…

Ông Tuấn nói ngày nay khoa học vũ trụ trên thế giới phát triển như vũ bão. Dù đã gần gũi hơn nhưng vũ trụ vẫn là một thế giới nhiều bí mật mà con người nhỏ bé chỉ có thể chinh phục nó bằng ước mơ và sự bền bỉ.

Ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam đang có một vị trí rất khiêm tốn, nhưng nước ta bắt buộc phải làm vì nhiều lẽ. Để ít ra ta đi sau, ta không bằng thì ta vẫn đang nằm trong quỹ đạo thế giới đang đi.

Không chỉ phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quan trọng nhất, theo ông Tuấn, nó được xem là một trong năm không gian (vùng đất, vùng trời, vùng biển, không gian mạng và không gian vũ trụ) mà chúng ta cần làm chủ để bảo vệ quyền lợi quốc gia.

Thế hệ ông Tuấn đã làm xong phần việc của mình. Họ để lại một di sản hơn 10 năm vừa "chớm nở" và giấc mơ "made in Vietnam" cần được chinh phục tiếp.

Đừng bao giờ nói không với ước mơ. Như liftoff (trong slogan "Liftoff your dream" của VNSC), từ chuyên dùng để mô tả thời điểm một tên lửa đẩy bắt đầu được khai hỏa, đưa những vệ tinh, những giấc mơ mang tầm quốc gia, bắt đầu hành trình của riêng mình. Ông hy vọng công nghệ vũ trụ Việt Nam cũng sớm có ngày cất cánh.

Sau khi lên vũ trụ, PicoDragon liên tục phát tín hiệu "PicoDragon VietNam" đến các trạm mặt đất trên toàn thế giới. Sau hơn 3 tháng hoạt động, "anh cả tí hon" đã hoàn thành nhiệm vụ, giảm dần độ cao và bị cháy khi rơi vào tầng khí quyển của Trái đất.

Nó như chùm pháo bông phát ra ánh sáng rực rỡ, và trong một khoảnh khắc, hai chữ "Việt Nam" hiện lên sáng bừng. Và rồi công nghệ vũ trụ Việt Nam vẫn đang "trên đường đi".