Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) đi kèm lời cảnh báo mất việc làm ở nhiều ngành nghề?
Có khi nào chúng ta tự hỏi, "AI là ai?". Câu hỏi nghe có vẻ đơn giản, nhưng sao gần đây nó cứ vương vấn, quanh quẩn trong tâm trí mãi. Đặc biệt là từ khi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) xuất hiện và len lỏi khắp mọi ngõ ngách của cuộc sống.
Trong cái thế giới hiện đại, nơi mà AI đang chiếm lĩnh từ học hành, làm việc đến giải trí, con người bắt đầu cảm thấy bối rối với sự hiện diện của nó.
Trí tuệ nhân tạo giờ đây làm được nhiều điều mà trước đây ta nghĩ chỉ có con người mới làm được, thậm chí còn làm tốt hơn. Đến mức, không ít người tự hỏi, liệu ai mới là chủ cuộc chơi? Con người tạo ra AI, hay chính AI đang dẫn dắt con người đi theo con đường mà ta không ngờ tới?
Câu hỏi "AI là ai" giờ đây không chỉ đơn thuần hỏi về mối quan hệ giữa người với người. Nó còn là câu hỏi về mối quan hệ giữa con người và công nghệ. Chúng ta đang sống trong thời đại mà ranh giới giữa con người và máy móc trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết.
AI có thể viết văn, sáng tác nhạc, làm thơ, thậm chí dạy học thay thế thầy cô. Nhìn vào tất cả những điều đó, chúng ta chợt giật mình, liệu có ngày nào đó chúng ta không thể phân biệt được giữa AI và con người. Hay tệ hơn, có thể chúng ta trở thành những phiên bản "robot sống," chỉ biết làm theo lệnh, học theo khuôn mẫu mà quên mất tình người ấm áp, những xúc cảm giản đơn mà sâu lắng?
Một trong những câu chuyện gần đây là việc AI bắt đầu tham gia vào giảng dạy trong các lớp học. Ở đâu đó, đã có những lớp học mà người thầy không còn đứng trên bục giảng, không còn truyền đạt kiến thức qua giọng nói dịu dàng, cũng chẳng còn nụ cười, ánh mắt nghiêm khắc hay cái nhìn đầy cảm thông dành cho học trò.
Thay vào đó, là một hệ thống máy móc, thiết bị thông minh, có thể trả lời mọi câu hỏi, giải thích mọi khái niệm mà không mắc một lỗi nhỏ nào. Đối với một số người, điều đó thật tuyệt vời, nhưng chúng ta lại phải suy tư và lo lắng.
Nếu AI có thể dạy học giỏi đến thế, thì liệu chúng ta còn cần thầy cô nữa không? Trong lớp học ấy, chỉ có bọn trẻ và một hệ thống công nghệ, không có tiếng cười, không có những lời động viên từ thầy cô khi chúng gặp khó khăn. Điều chúng ta sợ nhất là khi không còn thầy cô – những người không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn trao gửi sự dạy dỗ từ trái tim đến trái tim. Người thầy không chỉ truyền đạt bài học, mà còn là lòng nhân ái, sự cảm thông.
Có AI dạy, bọn trẻ có thể thông minh hơn, nhưng liệu chúng có trở thành những cỗ máy không hồn, chỉ biết làm đúng theo quy trình, mà quên mất giá trị của sai lầm, của thất bại để trưởng thành? Những lớp học chỉ có màn hình và công nghệ có thể dễ dàng biến chúng thành những "robot sống," biết suy nghĩ mà không biết cảm nhận.
Những ngày gần đây, tôi nghe nói AI đã có khả năng sáng tác văn chương, thơ ca... Nó có thể mô phỏng những xúc cảm, cảm hứng mà người ta thường nghĩ chỉ có con người mới có. Vậy mà giờ đây, dường như chính chúng ta cũng bị AI cạnh tranh trong việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật. Liệu một ngày nào đó, những câu chuyện mà thế hệ đi trước kể lại, những bài thơ mà chúng ta yêu quý từ thuở bé, sẽ bị thay thế bằng những dòng mã vô cảm, dù cho chúng có hoàn hảo đến mức nào?
Và chúng ta lại tự hỏi, "AI là ai?" và "Ai là AI?" Một câu hỏi tưởng như chơi chữ, nhưng lại gợi ra nhiều suy nghĩ hơn thế. AI là công cụ mà chúng ta tạo ra, nhưng giờ đây nó đã bắt đầu định hình cuộc sống của chúng ta theo cách mà có lẽ không ai ngờ tới. Trong khi chúng ta đang sử dụng AI để phát triển và tiến bộ, thì AI cũng đang học từ chúng ta, dần dần hoàn thiện chính nó. Nhưng liệu có lúc nào nó vượt mặt chúng ta và trở thành người quyết định? Chúng ta liệu có bị cuốn vào thế giới công nghệ, mà quên mất cái gốc nhân văn của con người?
Nhìn sâu vào mối quan hệ giữa con người và AI, chúng ta có thể nhận ra rằng sự khác biệt lớn nhất vẫn nằm ở cảm xúc và nhân tính. AI có thể học và làm mọi thứ, nhưng nó không có cảm xúc. Nó không biết yêu thương, không biết trăn trở trước những điều giản dị nhưng sâu sắc của cuộc đời. Và có lẽ, câu hỏi "ai là ai?" sẽ mãi mãi là câu hỏi của con người, vì chỉ có con người mới thực sự cần hỏi và trả lời cho những điều nằm ngoài tầm với của máy móc.
Thế rồi, chúng ta nghĩ về tương lai, về một thế giới nơi công nghệ có thể thay đổi tất cả. Nhưng chúng ta vẫn mong rằng, dù cuộc sống có tiến bộ đến đâu, con người vẫn giữ được phần "người" trong chính mình.
Giữ lấy tình yêu, lòng trắc ẩn, sự đồng cảm mà không một cỗ máy nào có thể thay thế. Bởi rốt cuộc, AI có thể làm được nhiều thứ, nhưng câu hỏi cuối cùng vẫn là: "Ai sẽ làm chủ cuộc chơi này?" - Vẫn là chúng ta, những con người biết thương yêu và thấu hiểu.
Lê Quốc Khánh
Đăng thảo luận