Tối 14-10, chương trình Hát về thời hoa đỏ "Lời anh vọng mãi ngàn năm" được Thành Đoàn và Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM thực hiện, tưởng nhớ 60 năm liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi hy sinh.
Các bạn trẻ TP.HCM có mặt giao lưu với các cô chú cách mạng lão thành tại chương trình "Lời anh vọng mãi ngàn năm" tưởng nhớ 60 năm anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi hy sinh - Ảnh: THANH HIỆP
Một chương trình giáo dục truyền thống cho đoàn viên thanh niên qua các sự kiện lịch sử có cùng cột mốc 60 năm: anh hùng Nguyễn Văn Trỗi nhận nhiệm vụ đặt mìn cầu Công Lý, du kích quân Venezuela bắt cóc tùy viên quân sự Mỹ đấu tranh đòi trả tự do cho anh Nguyễn Văn Trỗi và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi hy sinh (15-10).
"Lời anh vọng mãi ngàn năm" cùng thế hệ trẻ
Mỗi câu chuyện đưa các bạn trẻ nhớ về phong trào đấu tranh của các thế hệ thanh niên trong kháng chiến, là truyền thống thanh niên công nhân. Qua đó khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm của thế hệ trẻ thành phố cùng tham gia thi đua lao động, xung kích sáng tạo để khẳng định vai trò của giai cấp công nhân thời kỳ mới.
Lãnh đạo TP.HCM dâng hương tưởng niệm Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi
Chí khí người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi
Đưa hài cốt anh Nguyễn Văn Trỗi về nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM
Đan xen giữa câu chuyện với khách mời là những ca khúc một thời tuổi trẻ sôi sục đấu tranh, bài hát viết về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.
Nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cùng bà Trương Mỹ Lệ - phó chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn và ông Phạm Xuân Bình - phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn - kể nhiều câu chuyện về bà Phan Thị Quyên (vợ anh Trỗi) cùng những tháng ngày đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn lúc bấy giờ.
Có thể nói cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi tuy ngắn ngủi nhưng trọn vẹn vì "Anh đã sống cuộc đời sáng rực ánh mặt trời, anh sống tuổi thanh xuân đẹp tươi trong khói lửa luyện nên thép ngàn".
Bà Trương Mỹ Lệ nhớ lại: "Sau khi anh Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, phong trào đấu tranh không hề nao núng mà ngày càng phát triển, góp sức vào chiến thắng mùa xuân 1975".
Bà Trương Mỹ Lệ đệm đàn cho các ca sĩ trẻ hát bài Một người ngã xuống, triệu người đứng lên tại chương trình giao lưu - Ảnh: THANH HIỆP
Hãy sẵn sàng tình nguyện mọi lúc mọi nơi
Cùng giao lưu còn có nhạc sĩ Xuân Nghĩa. Không chỉ có nhiều sáng tác gắn với tuổi trẻ, anh còn là một gương mặt của nhiều hoạt động tình nguyện.
Anh Nguyễn Văn Trỗi đã an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ TP.HCMĐỌC NGAY
Chính những chuyến đi ấy cho anh cảm hứng sáng tác nhiều ca khúc về phong trào tình nguyện của tuổi trẻ thành phố Bác.
Anh nhắc về hành trình tình nguyện trên đất bạn Lào mà mình có mặt, hát tặng ca khúc do mình sáng tác và chia sẻ: "Chúng ta hãy cứ tình nguyện mọi lúc mọi nơi".
Trong khi đó, Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM Lê Đức Anh - bí thư Đoàn, phó giám đốc xưởng chế biến thực phẩm Công ty cổ phần thực phẩm Cholimex - bày tỏ lắng nghe chia sẻ của các cô chú đi trước, bản thân nghĩ sâu hơn về tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ ngày nay.
"Thực tế đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực cống hiến, năng động hơn, sáng tạo hơn để có thể giải quyết những bài toán khó trong đơn vị", Đức Anh nói.
Nhạc sĩ Xuân Nghĩa và anh Lê Đức Anh (thứ hai và ba từ trái sang) giao lưu tại chương trình - Ảnh: THANH HIỆP
Câu chuyện hy sinh anh dũng của người anh hùng tuổi trẻ, biểu tượng bất khuất của người công nhân thành phố dẫu đã qua 60 năm song gợi cảm hứng lan tỏa, nối tiếp lửa truyền thống, hun đúc lòng yêu nước và tinh thần dấn thân vì cộng đồng cho thế hệ trẻ hôm nay.
Ấy cũng là lời nhắn nhủ về trách nhiệm cho mỗi bạn trẻ hôm nay, cũng là sứ mệnh viết tiếp trang sử vẻ vang để cùng xây dựng đất nước hòa bình, hạnh phúc và phồn vinh.
Nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa chia sẻ tại buổi giao lưu - Ảnh: THANH HIỆP
Đăng thảo luận