Hạnh phúc đến cuối cùng phải chăng là khi ta biết đủ và biết trân trọng những điều nhỏ bé, giản đơn?

Trong cuộc sống hối hả, có bao giờ bạn tự hỏi "Hạnh phúc đến từ đâu? Hình thái, mùi vị của nó ra sao? Ở đâu được xem là đất nước hạnh phúc nhất?"… 

Những thắc mắc này, có lần đã được tôi đem ra lạm bàn cùng một cậu bạn thân có nhiều kinh nghiệm trong việc đi du lịch.

Bạn tôi bảo với cậu ấy, Bhutan là quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất. Bhutan là một đất nước có cuộc sống thanh bình, xanh và sạch. Họ không giết mổ, câu cá và chặt phá rừng. 

Cậu ấy còn nói thêm một chi tiết mà đến giờ khi nghĩ đến, tôi vẫn băn khoăn mãi. "Bhutan được ca ngợi là đất nước hạnh phúc nhất dù họ chẳng phải là đất nước giàu có. Vậy mới nói giàu có chưa chắc hạnh phúc".

Giàu có chưa chắc hạnh phúc. Câu nói này cứ quẩn quanh trong tâm trí tôi. Rồi tôi quyết định làm một cuộc khảo sát "ngầm", bằng cách nhìn vào đời sống của những gia đình đang hiện hữu sống động xung quanh nơi tôi sống hoặc gia đình bạn bè tôi.

  • Bắc Âu thống trị bảng xếp hạng hạnh phúc

  • Nơi có một cộng đồng Trẻ hơn - Khỏe hơn và Hạnh phúc hơn mỗi ngày

  • Hành trình hạnh phúc

Có 2 mẫu số đối lập nhau: gia đình khá giả và gia đình ít khá giả hơn. 

Nhiều gia đình được xem có đủ đầy về tài chính, tức công việc của họ khá tốt, nhà cửa có phần khang trang, tươm tất. 

Thế nhưng bữa cơm gia đình của họ đa số là mua thức ăn nhanh bên ngoài, mạnh ai nấy ăn vì họ quá bận rộn. Con cái làm bạn với iPad, điện thoại thông minh, thiếu sự tương tác dù sống dưới một mái nhà to rộng.

Vậy những gia đình có đời sống chật vật, khó khăn, họ có hạnh phúc hơn không? Chẳng thể có câu trả lời xác đáng. 

Bởi quan sát bề ngoài một cách cảm tính, cá nhân tôi nhận thấy gia đình có kinh tế khó khăn thì cũng chẳng thiếu lời to tiếng, cãi vã. Thậm chí họ còn đánh nhau chỉ vì tiền chợ, tiền sữa, tã cho con… Đủ thứ chuyện có thể châm ngòi cho cuộc cự cãi giữa vợ chồng hoặc những thành viên với nhau. 

Nói chi xa xôi, ngay chính gia đình tôi cũng có lắm chuyện "trên trời dưới đất". Hôm nọ, chỉ vì một câu nói bông đùa vô ý mà anh chị tôi giận nhau mấy ngày liền.

Lần khác, khi ba tôi đi họp phụ huynh cho các cháu về thì cả nhà lại tranh cãi vì bất đồng quan điểm trong cách dạy con trẻ. Cuộc tranh luận chỉ dừng lại sau tiếng buông đũa lạnh băng, nặng nề trên gương mặt như đeo chì của các thành viên trong nhà.

Hạnh phúc đến cuối cùng phải chăng là khi ta biết đủ và biết trân trọng những điều nhỏ bé, giản đơn? 

Đó là những lúc quây quần cùng ông bà, cha mẹ bên bữa cơm gia đình. Được làm những gì mình thích, sống thật với con người của mình. Hay có được một người bạn hiểu mình và mình cũng hiểu họ để chia sẻ, nói ra với nhau tất cả mà không lo lắng, nghi ngại, đề phòng…

  •  Đó là hạnh phúc... 第1张

    Phát động cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam 2024”ĐỌC NGAY

Với tôi, hạnh phúc đến từ những điều tưởng chừng xa xỉ nhưng lại có sức mạnh kết nối mạnh mẽ. 

Đó là khi các thành viên dành thời gian nhiều hơn cho một bữa cơm gia đình; là có thêm những mối quan hệ mới không vì điều gì ngoài mục đích giúp nhau cùng tiến bộ, đem đến niềm vui cho những người xung quanh mình; là mỗi sáng mai thức dậy lại cảm nhận những khoảnh khắc diệu kỳ để thấy yêu hơn cuộc sống này…

Hạnh phúc không ở đâu xa cũng không khó tìm, nó nằm ngay trong cảm nhận, trong suy nghĩ, trong hành động và cuộc sống xung quanh ta. Chỉ có điều vì muôn vàn lý do, chúng ta lơi đi hoặc vô tâm không để ý đến.