Từ ước mơ về một quán ăn nhỏ
Trong ánh mắt của người phụ nữ gần 60 tuổi ấy, vẫn có gì đó rất khắc khoải về một thời bán buôn nơi bến xe nhộn nhịp.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Tuấn (sinh năm 1965) kể: Cách đây chừng 20 năm, khi chồng cô còn làm việc tại bến xe miền Tây, cô được ban quản lý tạo điều kiện cho mở một quán ăn nhỏ bên hông bến xe. Quán bán cả ngày, sáng bán bún bò, chiều bán hủ tíu, có người tới kẻ lui. Gia đình dù có vất vả nhưng vẫn có đồng ra đồng vào, đủ tiền nuôi 5 - 6 miệng ăn. Từ khi chồng nghỉ hưu, lại mắc bệnh phổi, sức khoẻ giảm sút nhanh chóng, cô Tuấn cũng phải trả lại mặt bằng để về chăm sóc chồng con. Kinh tế gia đình vì thế mà khó khăn hơn.
Đến nay, những người con đã lớn, đã có người đi làm, lập gia đình nhưng cũng chỉ là làm công ăn lương, thậm chí ăn bữa nay, lo bữa mai. Riêng cô Tuấn, ngoài chăm chồng bệnh tật, vẫn phải lo cho người con gái út năm nay 17 tuổi. Kinh tế gia đình chỉ trông vào đồng lương hưu ít ỏi của người công nhân bến xe năm nào và chút tiền công đưa đón mấy đứa con nít trong ấp 7 (xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TPHCM) đi học mỗi ngày.
Tổng thu nhập của gia đình chỉ vỏn vẹn 6,5 triệu đồng/tháng. Những tháng hè, khi học sinh được nghỉ, thu nhập còn thấp hơn. Người con gái út cũng chủ động xin nghỉ học, muốn đi làm công nhân kiếm tiền phụ giúp ba mẹ nhưng do chưa đủ tuổi lao động nên không công ty nào nhận.
Trong buổi chiều muộn đến thăm cô Tuấn, những người thực hiện chương trình Ước mơ xanh đã cảm nhận được sự khắc khoải của cô về một thời bán buôn hàng quán, mong ước về một ngày được đứng hàng, bán quán trở lại, dù vất vả nhưng gia đình còn đủ bữa, đủ tiền thuốc thang, đồng ra đồng vào. Câu chuyện trở nên lặng lẽ hơn vì cô Tuấn chẳng có đủ tiền và người trợ giúp để thực hiện ước mơ đó.
Mô hình nhỏ, hạnh phúc lớn
Rồi ánh mắt của cô Tuấn trở nên bừng sáng trước câu hỏi: Nếu có thể mở lại một quán ăn, cô sẽ làm gì? Người phụ nữ như trẻ lại cả chục tuổi, hào hứng kể ra những gì cần phải làm, cần phải chuẩn bị. Đầu tiên là mặt bằng, nằm ngoài đường An Hạ, có thể chung với một gia đình bán nước mía khác. Tiếp đến là những vật dụng cần chuẩn bị.
Người phụ nữ gần 60 tuổi này kể vanh vách những vật dụng cần có như thể cô đã dành quá nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị mở quán, dẫu là chuẩn bị cho những điều chẳng thể xảy ra. Rồi cô hứng khởi kể về các món ăn mình có thể nấu và công thức nấu thế nào cho ngon. Rồi cả lý do tại sao chọn hủ tíu bò kho là món chủ đạo. Đơn giản đến bất ngờ, chỉ vì cô đã đi lại con đường này quá nhiều lần, chú ý quan sát từng quán ăn để nhận ra rằng hoá ra chưa có bất cứ ai trong khu vực bán món ăn bình dân nhưng cũng đầy hấp dẫn này.
Quán hủ tíu bò kho của cô Tuấn trên đường An Hạ, xã Phạm Văn Hai, quận Bình Chánh, TPHCM
Cô Tuấn dự tính một ngày bán được 50 tô, mỗi tô chỉ 25.000 đồng, phù hợp với mức sống của người dân ở đây. Nếu bán được ngần đó, mỗi ngày cô sẽ có lời khoảng 250 - 300 nghìn đồng. Đó là số tiền mà cô chưa từng nghĩ mình có thể kiếm được trong 20 năm nay. Nó giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của gia đình cô, cho những cơn ho nặng của chồng và cho ánh mắt đau đáu của cô con gái út.
Không khó để nhận thấy niềm hạnh phúc thực sự khi người phụ nữ ấy kể về những điều mình muốn được làm và cũng rất dễ dàng để hiểu, với cô Tuấn, đây không chỉ là ước mơ mà dường như nó là cơ hội cuối cùng để cô vươn tới hạnh phúc khi tuổi đã xế chiều, sức khoẻ dần suy giảm. Những ước mơ ấy, qua lời kể của cô, đã trở nên xanh mướt, truyền đi những cảm xúc thật sự tươi mới.
Ước mơ xanh đã thành hiện thực
Rồi một ngày, cô Tuấn lặng đi vì xúc động, chớp mắt nhiều lần chỉ để tin rằng đây là sự thật khi những người thực hiện chương trình Ước mơ xanh đã mang tới tận nhà, trao tặng cô tất cả những gì cô từng mong ước. Một chiếc xe hủ tíu, bảng biển, ô dù, bàn ghế, chén bát, nồi to, nồi nhỏ, bếp gas lớn, bếp gas nhỏ… Ngoài ra, Ước mơ xanh còn tặng cô Tuấn một khoản vốn đủ để cô duy trì xe hủ tíu trong vòng 3 đến 5 ngày. Tất cả những gì cô cần cho một quán ăn đã sẵn sàng. Giờ là lúc hiện thực hóa giấc mơ quán hủ tíu bò kho.
Đúng 5h sáng ngày hôm sau, sau một đêm gần như không ngủ vì háo hức và để chuẩn bị hàng quán, cô Tuấn cùng nhóm Ước mơ xanh đã đẩy xe hủ tíu ra điểm bán. Đúng 6h, bếp sáng lửa. Rồi khách hàng đầu tiên cũng tới, lúc 6h25 và sau đó là rất nhiều người dân quanh khu vực.
Cô Tuấn vừa bán hàng, vừa trò chuyện với khách, cố tìm hiểu sở thích của khách hàng nhưng vẫn không giấu được sự hạnh phúc. Chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ, quán đã không còn hàng để bán, đủ 50 tô, đúng như dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, là người có kinh nghiệm, cô Tuấn cho biết sáng mai cũng chỉ nấu 50 tô và đợi xem thế nào, cô không vội vã nấu nhiều hơn vì sợ… ế nhưng cô cho kế hoạch dài hạn cho riêng mình. Riêng hôm nay mở hàng, cô bán được gần 800.000 đồng.
Vợ chồng cô Nguyễn Thị Ngọc Tuấn và nhóm thực hiện chương trình Ước mơ xanh
Ước mơ xanh là chương trình do Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 tổ chức nhằm hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ khó khăn trên khắp cả nước có cơ hội vươn lên làm chủ kinh tế bản thân và gia đình từ đầu năm 2024. Mỗi trường hợp sẽ được hỗ trợ toàn bộ vật dụng và một số vốn nhỏ để khởi nghiệp.
Lãnh đạo F88 cho biết, chương trình chú trọng vào việc “trao cần câu chứ không trao con cá”, qua đó giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững dự kiến trong 2025 mỗi tháng Ước mơ xanh sẽ hỗ trợ tối thiểu một phụ nữ yếu thế khởi nghiệp.
Xem nhiềuKinh tế
Thống đốc Ngân hàng nói về sự cố rút tiền 'lớn chưa từng có' tại SCB
Kinh tế
Giá vàng nhẫn bất ngờ giảm
Kinh tế
Thông tin mới nhất về 2 ngân hàng 0 đồng sau chuyển giao bắt buộc
Kinh tế
Áp lực từ nợ xấu ngân hàng
Kinh tế
Đăng thảo luận