Hiện cả nước còn gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép tạng, chủ yếu chờ nguồn thận và gan

Mới đây, chàng trai 32 tuổi ở Hà Nội chết não do tai nạn giao thông đã trao tặng "món quà sự sống" để tái sinh nhiều cuộc đời. Đến nay, 4 người được ghép tạng đều đang tiến triển tốt, các chỉ số sinh tồn cơ bản ổn định.

Ca ghép tim đầu tiên

Người hiến tạng là anh N.Đ.T, nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đêm 22-8, anh T. được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) trong tình trạng nguy kịch. Mặc dù các y - bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng vì tổn thương quá nặng, anh đã không qua khỏi. Hội đồng chuyên môn đã làm thủ tục đánh giá chết não và cả 3 lần đều cho kết quả như nhau. Bệnh nhân rơi vào tình trạng chết não, sự sống đang khép dần. Đau đớn trước sự ra đi của người thân song gia đình bệnh nhân đã đưa ra một quyết định dũng cảm và đầy nhân văn, đó là hiến tạng của người thân để mang lại sự sống cho những người khác. Bệnh nhân hiến 2 quả thận, giác mạc, tim, gan. Chiều 24-8, trước giờ phẫu thuật, tất cả nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM đã cúi đầu mặc niệm và tri ân, tiễn biệt người đàn ông trẻ xấu số.

Hai bệnh nhân được ghép thận là một người đàn ông 55 tuổi - suy thận từ năm 2012 và một phụ nữ 42 tuổi - suy thận phải lọc máu chu kỳ từ năm 2020. Lá gan của người hiến được ghép cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức. Giác mạc được chuyển đến bảo quản ghép cho người bệnh tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đặc biệt, trái tim được đưa vào TP HCM để ghép cho một bệnh nhân nam 37 tuổi, tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM.

 Thêm nhiều cuộc đời được tái sinh 第1张

Trái tim được chuyển từ Hà Nội về TP HCM để ghép cho người bệnh trong đêm. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

Ngay khi thực hiện lấy tạng từ người hiến, trái tim anh T. được các bác sĩ đưa vào thùng bảo quản. Khoảng 20 giờ, lực lượng CSGT, Phòng CSGT TP Hà Nội có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, nhận nhiệm vụ hộ tống để ê-kíp kịp lên chuyến bay vào TP HCM. Đích thân PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, đã ra Hà Nội tiếp nhận và vận chuyển trái tim này. Trái tim rời phòng mổ số 2 của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn lúc 20 giờ ngày 24-8, được bảo vệ nghiêm ngặt và hỗ trợ bởi hàng trăm y - bác sĩ, nhân viên y tế, cùng sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành trong hành trình xuyên Việt. Mục tiêu là bảo đảm thời gian thiếu máu nóng của trái tim được rút ngắn tối đa, để có thể được ghép vào người nhận trong điều kiện tốt nhất.

Một ca ghép tim xuyên Việt kéo dài 10 giờ xuyên đêm với sự tham gia của gần 100 nhân viên y tế từ các bệnh viện: Việt Đức, Đa khoa Xanh Pôn, Đại học Y Dược TP HCM đã thành công. Đến 3 giờ ngày 25-8, trái tim này bắt đầu nhịp đập đầu tiên trong lồng ngực của anh L.A.H (quê Gia Lai, mắc bệnh cơ tim giãn, nếu không được ghép tim kịp thời sẽ không sống được bao lâu nữa).

"Có hai điều khiến chúng tôi rất thận trọng. Thứ nhất, người bệnh có áp lực động mạch phổi khá cao, có thể dẫn đến suy tim sau mổ, khiến quá trình hồi sức gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, người bệnh có nhóm máu Rh âm tính - một trường hợp rất hiếm gặp. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc xác định các kháng thể bất thường và chuẩn bị máu phù hợp cho ca mổ. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo bệnh viện và sự tư vấn của hội đồng chuyên môn ghép tim, chúng tôi đã kịp thời chỉ định người bệnh và thực hiện ca mổ thành công" - bác sĩ Định thông tin.

PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết đây là ca ghép tim đầu tiên bệnh viện thực hiện. Hành trình trái tim ở ngoài lồng ngực 7 giờ vẫn an toàn là niềm tự hào về tinh thần kết nối một lòng vì sự sống của người bệnh. Hàng trăm trái tim hối hả để một trái tim lại tiếp tục đập cho một hành trình sống mới. Chiều 26-8, bệnh nhân ghép tim đã được rút nội khí quản, tỉnh lại. "Giờ đây, với ca ghép tim này, chúng tôi không chỉ đánh dấu một bước tiến mới mà còn hoàn thiện chuỗi thành công trong lĩnh vực ghép tạng. Sau nhiều năm chuẩn bị, chúng tôi đã đợi khoảnh khắc này lâu lắm rồi. Ca ghép tim thành công là sự kiện rất vui của bệnh viện" - bác sĩ Bắc bày tỏ.

"Thay mặt gia đình, chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến gia đình người hiến tạng ở Hà Nội và sẽ không thể nào quên ơn này" - ông L.A.K, anh của người nhận trái tim hiến tặng, xúc động nói.

Món quà sự sống

Tại TP Hà Nội, chiều 26-8, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho hay ca ghép thận cho 2 bệnh nhân diễn ra suôn sẻ. Hiện sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tích cực, các chỉ số cơ bản ổn định. TS-BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - một trong số bệnh viện có bệnh nhân nhận tạng hiến, cho biết sau ca ghép gan đêm 24-8, đến khoảng 6 giờ ngày 25-8, bệnh nhân được rút nội khí quản. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, có thể ngồi nói chuyện. Người được ghép gan là một nam bệnh nhân bị ung thư gan giai đoạn cuối.

Bác sĩ Hùng chia sẻ ghép tạng là một trong 10 thành tựu y học lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ XX. Ghép tạng ban đầu chỉ là ước mơ đối với giới y học và bệnh nhân Việt Nam chẳng may bị suy tạng cần điều trị thay thế. Đến nay, sau 30 năm phát triển, điều đó đã thành hiện thực với những bước phát triển đỉnh cao của y học nước nhà, đồng thời mở ra cánh cửa hồi sinh cho những bệnh nhân đang khắc khoải giành sự sống. Chính vì thế, những nguồn tạng hiến tiếp nhận từ người cho chết não là "món quà sự sống" đối với nhiều bệnh nhân. Việc những người hiến mô, tạng sau khi qua đời là việc làm rất ý nghĩa, đầy nhân văn. Sự diệu kỳ của những ca ghép tạng không chỉ đến từ sự thành công vượt bậc của y học, mà lồng trong đó là những câu chuyện đầy nhân văn, tình người.

Tính đến đầu năm 2024, sau 32 năm ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, các bệnh viện cả nước đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép tạng bao gồm thận, tim, gan, phổi, tụy, khí quản. Hiện cả nước còn gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan. 

Ghép gan cùng lúc cho 2 bệnh nhân từ một người hiến tạng

Cũng trong ngày 26-8, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM công bố lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện ghép gan cùng lúc cho 2 bệnh nhân trên một người hiến tạng. Người hiến là nạn nhân tai nạn giao thông, mặc dù được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cứu chữa nhưng không qua khỏi. Lá gan người hiến được tách làm 2 phần: Mảnh lớn ghép cho nam bệnh nhân 53 tuổi, bị ung thư, xơ gan nặng, chờ tạng từ lâu; mảnh nhỏ hơn ghép cho bé gái 1 tuổi ở Sóc Trăng, bị xơ gan ứ mật nguyên phát đang nguy kịch. TS-BS Trần Công Duy Long, Trưởng Đơn vị Ung thư gan mật và ghép gan Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết chia gan để ghép cho 2 người bệnh là một kỹ thuật khó, đòi hỏi đội ngũ nhân viên y tế phải có kiến thức, kinh nghiệm kỹ thuật cao. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 48 ca ghép thận và 53 ca ghép gan.