(NLĐO) - Xã hội một loài người đã tuyệt chủng có thể "đi trước thời đại" so với chúng ta ở một số lĩnh vực, ví dụ y tế.

Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà cổ nhân chủng học Mercedes Conde-Valverde từ Đại học Alcala (Tây Ban Nha) đã phân tích lại một mẫu hóa thạch loài người khác mang mã số CN-46700, được khai quật từ hang Cova Negra từ năm 1989.

CN-46700 là các phần hài cốt của một đứa trẻ người Neanderthals, có niên đại khoảng 273.000 đến 146.000 năm trước, là thời gian loài người cổ này định cư trong khu vực.

 Phát hiện sốc về một loài người khác tiến hóa vượt bậc 第1张

Hang Cova Negra, nơi loài người cổ Neanderthals từng sinh sống - Ảnh: CNN

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng máy quét CT vi mô để xây dựng mô hình 3D của hóa thạch ban đầu để phân tích.

Họ tìm thấy dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe bao gồm ốc tai nhỏ hơn, với các bất thường có thể gây mất thính lực và chóng mặt nghiêm trọng. "Hội chứng duy nhất tương thích với toàn bộ các dị tật có trong CN-46700 là hội chứng Down" - TS Conde-Valverde cho biết.

Hội chứng Down vốn không chỉ xuất hiện ở con người mà còn ở các loài vượn nhân hình cổ đại lẫn hiện đại khác.

Nhưng điều gây sốc ở phát hiện này đó là đứa trẻ này đã 6 tuổi khi qua đời.

Theo Science Alert, các bằng chứng khảo cổ trước đó cho thấy trẻ em mắc hội chứng Down ở thời đại đồ sắt thường không sống nổi qua mốc 16 tháng tuổi.

Vào năm 1900, những tiến bộ y học và hệ thống chăm sóc sức khỏe đã giúp những người mắc hội chứng Down có tuổi thọ trung bình là 9 năm.

Ngày nay, sau vô số tiến bộ trong lĩnh vực y học và mô hình xã hội, người mắc bệnh này thậm chí có thể sống thọ không thua người khỏe mạnh là bao.

Vì vậy, việc một đứa trẻ mắc hội chứng Down hàng trăm ngàn năm trước có thể sống thọ hơn cả các bệnh nhi thời đồ sắt và gần bằng các bệnh nhi đầu thế kỷ XX, đó là một điều gần như không thể tin nổi.