Đối mặt với thử thách, họ không nản chí mà tìm mọi cách để vượt qua, cũng từ đó những sáng kiến tiền tỉ ra đời
Gần 31 năm công tác tại Công ty CP Thực phẩm Cholimex (Cholimex Food - KCN Vĩnh Lộc, TP HCM), chị Phùng Thị Hữu Hạnh đã trải qua nhiều vị trí công tác từ kỹ sư giám sát, tổ trưởng sản xuất, phó giám đốc và hiện nay là giám đốc xưởng chế biến thực phẩm. Dù đảm đương công việc nào, chị cũng luôn thể hiện tinh thần say mê sáng tạo, tiết kiệm cho doanh nghiệp (DN) hàng tỉ đồng mỗi năm. Chị trở thành nguồn cảm hứng cho những công nhân (CN) trẻ vươn lên trong nghề nghiệp.
Tâm huyết với thợ trẻ
Năm 2019, Cholimex Food rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động khiến nhiều khâu sản xuất của DN gặp trở ngại, đơn cử như khâu đóng lốc. Khách hàng ưa dùng sản phẩm đóng thành từng lốc (6 sản phẩm/lốc) nên hàng hóa của công ty như tương đen, sa tế, gia vị chai thủy tinh... đều được đóng thành từng lốc.
Tuy nhiên trước đây, công đoạn này được thực hiện bằng phương pháp thủ công, năng suất lao động thấp. Trong khi đó các công đoạn khác như chiết rót, dán nhãn đều đã được tự động hóa với công suất cao. DN từng muốn tăng nhân công ở khâu này song việc tuyển lao động quá khó khăn, do đó, ban giám đốc quyết định phải tự động hóa khâu đóng lốc.
Là giám đốc xưởng, chị Hạnh nhận trọng trách cải tiến máy đóng lốc. Nhiều ngày đêm, chị bỏ công tính toán công suất các loại máy móc của từng chuyền, từ đó đưa ra các yêu cầu chính xác để chế tạo máy đóng lốc tự động. Quá trình này kéo dài do phải nhiều lần cân chỉnh, cuối năm 2020 mới thành công và được đưa vào sản xuất đại trà.
Trái ngọt cho nỗ lực ấy là đã tiết kiệm cho DN hơn 1,7 tỉ đồng/năm. Mỗi máy đóng lốc được đưa vào sử dụng dụng có thể thay thế sức lao động của gần 20 CN. Công suất xưởng tăng lên, thu nhập CN cũng được cải thiện.
Chị Phùng Thị Hữu Hạnh kiểm tra dây chuyền sản xuất tương ớt. Ảnh: THANH YÊN
Chị còn có sáng kiến tiền tỉ khác góp phần giải phóng sức lao động là cải tiến công nghệ máy ép màng nhôm sóng cao tầng thay thế ép màng nhôm thủ công. Chị Hạnh tâm sự: "Mục tiêu của việc sáng tạo chính là giải quyết các vấn đề còn vướng mắc. Do đó, DN còn gặp phải khó khăn là tôi sẽ còn động lực đưa ra những ý tưởng mới".
Không chỉ đam mê sáng tạo, chị Hạnh còn được yêu mến bởi là một người quản lý có tâm. Xưởng có hơn 700 CN nhưng chị luôn sâu sát, tạo điều kiện cho họ phát huy năng lực. Là một trong những thợ trẻ được chị hỗ trợ, anh Dương Văn Tuấn Vũ, nhân viên kỹ thuật, nhận xét: "Dưới dự dìu dắt của chị Hạnh, nhiều CN trẻ như tôi ngày càng hoàn thiện bản thân".
Không bỏ cuộc
Tương tự chị Hạnh, anh Trần Đình Vũ, nhân viên marketing Xí nghiệp (XN) Bao bì Liksin (thuộc Tổng Công ty Liksin), cũng nhìn nhận càng trong hoàn cảnh khó khăn càng kích thích tư duy sáng tạo. Trưởng thành ở cái nôi đào tạo thợ giỏi, từng có nhiều cá nhân đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng, anh Vũ cũng đặt ra mục tiêu để phấn đấu. Từ đó, kỹ sư trẻ này đã sở hữu "gia tài" hơn 40 sáng kiến có giá trị.
Anh Vũ vào làm việc tại XN từ năm 2015 với vị trí quản lý chất lượng. Nhận thấy anh có tố chất để phát triển, XN đã điều động anh sang làm tại phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm mới rồi trở thành nhân viên marketing. Là kỹ sư hóa nhưng lại được thuyên chuyển sang làm công việc tiếp thị, tìm kiếm khách hàng nên anh rất lo lắng. Anh Vũ nói: "Tôi lo khi không làm tốt nhiệm vụ mới thì sẽ mất việc nhưng cũng chính từ áp lực ấy, tôi dốc sức lực làm việc và tìm ra được hướng đi riêng".
Anh Trần Đình Vũ cùng các đồng nghiệp tại phòng trưng bày sản phẩm của Xí nghiệp Bao bì Liksin
Trong số hàng chục sáng kiến đã thực hiện, ý tưởng phát triển kiểu túi đáy đứng cho vật liệu PE/PE (có thể tái chế) năm 2023 đem lại lợi nhuận 1 tỉ đồng/năm và tăng theo từng năm. Theo anh Vũ, xu hướng phát triển bao bì hiện nay là bao bì có thể tái chế. Do đó, năm 2021, anh đã dày công nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào sản xuất bao bì tái chế.
Đăng thảo luận