(NLĐO) - Quái vật 165 triệu tuổi Alpkarakush kyrgyzicus là một loài chưa từng được biết đến trước đây.

Theo Newsweek, các nhà cổ sinh vật học đã khai quật được hóa thạch một phần cơ thể của hai quái vật kỷ Jura tại hệ tầng Balabansai phía Bắc vùng trũng Fergana ở Kyrgyzstan.

Chúng được xác định là hai con khủng long chân thú thuộc về một loài hoàn toàn chưa được ghi nhận ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Đây cũng là những mẫu vật khủng long chân thú kỷ Jura đầu tiên được tìm thấy ở Trung Á.

 Lộ diện loài quái vật ăn thịt mới dài đến 8 m ở Trung Á 第1张

Một thành viên nhóm nghiên cứu nằm cạnh bộ xương con quái vật trưởng thành để so sánh kích thước - Ảnh: Oliver Rauhut/NEWSWEEK

Loài mới được các nhà khoa học đặt tên là Alpkarakush kyrgyzicus, là những quái vật ăn thịt khổng lồ.

Trong hai mẫu vật, con trưởng thành được xác định là khoảng 17 tuổi khi chết và có chiều dài cơ thể khi còn sống lên tới 7-8 m.

Theo bài mô tả trên tạp chí khoa học Zoological Journal of the Linnean Society, mẫu vật mà các nhà khoa học thu được bao gồm một số xương hộp sọ, đốt sống lưng và xương cùng, các mảnh xương vùng ngực, chậu và các chi.

Mặc dù không phải một bộ hài cốt quái vật nguyên vẹn, nhưng số xương này đã đủ để các nhà cổ sinh vật học hình dung và phân loại con vật.

Hai con Alpkarakush kyrgyzicus này đã sống vào khoảng 165 triệu năm trước, tức giữa kỷ Jura.

Việc xuất hiện hai mẫu vật cạnh nhau cho thấy loài này có hành vi sống theo bầy đàn.

 Lộ diện loài quái vật ăn thịt mới dài đến 8 m ở Trung Á 第2张

Ảnh đồ họa cho thấy vẻ ngoài dữ tợn của loài quái vật ăn thịt kỷ Jura - Ảnh: Joschua Knüppe