Những người trẻ học nghề “già”
Một ngày đẹp giời, một người bạn trẻ gửi tặng tôi một túi dấu khắc gỗ thủ công kèm lời nhắn: “Sản phẩm của nửa năm tu tâm, chị đưa cho bạn bè dùng chơi”!
Ông Toàn làm nghề khắc dấu gỗ đã hơn nửa thế kỷ, đây là nghề gia truyền của gia đình ôngCó dịp ngồi với nhau tôi mới biết hóa ra bạn âm thầm đi học khắc gỗ ở phố Hàng Quạt. “Một tuần là tốt nghiệp, nhưng luyện đến tháng thứ sáu em mới dám đem thành quả tặng bạn bè. Mà cũng mới chỉ là những hình khắc đơn giản thôi, chứ để kiếm cơm được bằng nghề chắc phải luyện năm ba năm”.
Khác với hình dung của tôi về những dấu khắc chữ triện mà mọi người hay dùng để đóng dấu sách hoặc bản thư pháp, những con dấu của một gen Z đa phần là các hình Doodle art (nguệch ngoạc, ngẫu hứng) ít tiểu tiết.
“Học nghề khắc con dấu gỗ không khó nhưng đòi hỏi phải kiên trì, tỉ mỉ”, ông Toàn nói
“Về cơ bản, thợ khắc có thể khắc bất cứ hình gì lên con dấu. Với sự hỗ trợ của máy tính thì mọi chuyện càng đơn giản. Quy trình làm ra một bản khắc giống như cách làm của các thợ xăm. Đầu tiên, người ta chọn mẫu, rồi in ra, sau đó dán lên con dấu mộc (ở quy trình xăm là dán lên da) rồi thợ theo nét đó mà khắc, tỉa.
Ngày xưa, mọi người thường chỉ khắc chữ (riêng khắc chữ thì phải khắc ngược để khi in ra mới thành chữ xuôi), bây giờ, có thể khắc con giáp, hoa, lá, hình vẽ tay hoặc thậm chí là ảnh chân dung. Nhược điểm duy nhất của hình khắc so với hình xăm là độ sắc nét không bằng. Nhưng nó cũng lại chính là ưu điểm khi càng ngày mọi người càng thích đồ thủ công, nhất là khi trào lưu “cái đẹp nằm ở sự bất toàn” lên ngôi, thì con dấu khắc tay càng được yêu thích”.
Theo chỉ dẫn của bạn, tôi tìm đến phố Hàng Quạt để đặt một hình khắc làm quà cho người chị ở xa. Cửa hàng khắc dấu, ấy vậy mà treo biển là “Khuôn bánh trung thu Phúc Lợi”. Hỏi chuyện ông Phạm Ngọc Toàn, chủ tiệm thì biết, ban đầu, sản phẩm chính của cửa hàng mấy thế hệ nhà ông là khuôn bánh trung thu. Về sau nghề khắc gỗ mới phát triển và được duy trì đến hôm nay.
“Học viên trẻ nhiều lắm, mười mấy đến ba mấy tuổi đều có, cả ở Hà Nội lẫn khách du lịch. Cái nghề này không khó, khó là ở chỗ phải kiên trì, tỉ mẩn. Nên nhiều người xin tôi học bảo là để tu tâm, tôi tán thành ngay. Nếu không quyết tâm và yêu thích, rất ít người trẻ có thể ngồi im một chỗ cả tiếng đồng hồ để tỉa tót cho một hình khắc chỉ bằng đồng xu.
Trông thì đơn giản, nhưng ngay cả hình vẽ ít nét nhất thì cũng đòi hỏi người thợ phải tập trung trăm phầm trăm, lơ đễnh là sảy tay ngay”. Ông Toàn trả lời câu hỏi của tôi về chuyện những người trẻ tuổi đến xin học khắc dấu gỗ.
Ngay sát cạnh cửa hàng của ông Toàn là “Khắc dấu Thiện Trí” của hai anh em Thiện – Trí cũng tấp nập người ra kẻ vào. Anh Trí kể, vài năm nay có cả những bạn trẻ từ tỉnh khác đến xin học nghề khắc dấu.
Mặc dù hiện nay các con dấu công nghiệp của Trung Quốc được cắt gọt tinh xảo, tỉ mỉ bán đầy trên Shopee (một sàn thương mại điện tử) nhưng khách đến mua con dấu thủ công không giảm mà còn có chiều hướng tăng lên. Nhiều người thích việc tự tay làm một con dấu cá nhân nên đăng ký xin học. Đa phần họ học để chơi, chứ ít người có ý định mở cửa hàng”.
Cũng theo anh Trí, các con dấu hiện nay có hình dáng và kích thước rất đa dạng và chia phong cách theo từng tệp khác hàng. Khách du lịch nước ngoài thì thích hình khắc hoa sen, rùa Hồ Gươm, nón lá áo dài, gánh hàng hoa hoặc là xích lô… Những văn sĩ trí thức thì khắc tên theo thể chữ triện truyền thống. Còn các bạn trẻ thì thích những hình thù ngộ nghĩnh, đáng yêu kiểu 12 con giáp…
Một bộ dấu khắc gỗ thủ công kèm mực có giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng tùy theo mức độ phức tạp của hình khắc. Riêng mực in, theo anh Trí, hiện phổ biến hai loại: một là mực mút, chỉ cần mua ở các cửa hàng văn phòng phẩm đổ vào mút là dùng được. Còn loại mực thứ hai gọi là mực chu sa có kết cấu bẹt như bùn, in ra nét đẹp hơn song cũng đắt hơn, và chỉ có bán ở phố Hàng Quạt vì “ngoài dùng để in dấu ra, mực chu sa không dễ để dùng vào việc khác”.
Câu chuyện của nghệ nhân
Hiện nay, rất hiếm có một mặt tiền cửa hàng lại mang tính cổ xưa như chỗ của ông Toàn. Đa số đồ trưng bày là những dấu triện đỏ bằng chữ Hán xen lẫn những khuôn bánh trung thu đủ mẫu mã. Một vài thứ trong đó có tuổi đời hàng trăm năm. Địa chỉ khắc dấu thủ công này thậm chí còn xuất hiện trên các tờ hướng dẫn du lịch bằng tiếng Nhật và tiếng Anh.
Ông Toàn kể: “Từ nhỏ, tôi đã được tiếp xúc với đồ gỗ, chạm trổ, được xem các ông, bà, cô chú tự tay điêu khắc lên những con dấu bằng gỗ với đủ hình thù khác nhau. Sau đó, tôi cũng tự mày mò, vừa nhìn vừa làm theo".
Nhưng lớn lên, tốt nghiệp đại học, ông vẫn chọn con đường trở thành một nhà giáo. Mãi sau, vì nghề dạy học lương không đủ sống, ông mới quyết định dành toàn thời gian cho công việc gia truyền này.
"Gỗ thừng mực là loại thích hợp nhất để làm con dấu, có đặc tính nhẹ, mịn và thấm mực đều. Tôi thường đặt sẵn các phôi gỗ, khi có khách mua con dấu sẽ mài nhẵn bề mặt và khắc hình lên. Những dấu gỗ khắc nhỏ, họa tiết đơn giản chỉ mất khoảng 15-20 phút là ra thành phẩm, còn những dấu gỗ khắc kích thước lớn, họa tiết cầu kỳ, đòi hỏi sự tỉ mỉ thì phải mất khoảng 3-4 ngày, thậm chí là cả tháng để hoàn thiện”.
Cạnh cửa hàng của ông Toàn là khắc dấu Thiện Trí
Mặn chuyện, ông Toàn tiết lộ thêm: “con dấu đáng nhớ nhất của tôi là làm cho ông Bùi Kiến Thành (một nhân vật lịch sử đặc biệt, từng là trợ lý cho Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm và sau này là cố vấn cho ba đời Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng).
Lúc ông ấy ra mắt cuốn sách có tên là “Người mở khóa lãng du”, nhà xuất bản muốn thiết kế một con tem đặc biệt cho dịp này. Tôi lấy tiêu đề làm nguồn cảm hứng và kết hợp biểu tượng chìa khóa với tên của Bùi Kiến Thành. Vì ông ấy giỏi đến bảy, tám ngoại ngữ, nên tôi còn làm thêm tặng ông một phiên bản con dấu bằng tiếng Trung. Ông ấy rất thích.”
Để thích ứng với thị hiếu của khách hàng, các dấu khắc ngày càng được cải tiến đa dạng về mẫu mã và kiểu dángMột khách hàng đặc biệt khác của ông Toàn là một giáo viên người Mỹ. "Cô ấy đến Việt Nam du lịch, khi thấy cửa hàng của tôi, cô ấy đã đặt mua 34 con dấu cho học sinh của mình. Mỗi con dấu đều khắc tên của từng em”.
Người bạn trẻ của tôi, cũng là học trò của ông Toàn kể rằng: “Ban đầu khi mới học nghề và làm được con dấu đầu tiên, em đã nghĩ đến việc mở một cửa hàng online để khắc dấu cho các khách hàng trẻ. Về sau, càng nói chuyện với thầy, em càng hiểu lý thuyết về mười nghìn giờ luyện tập của Gladwel. Tác giả này viết rằng: “những người xuất sắc, không phải bởi vì có tư chất trời cho hơn người, mà là họ đã không ngừng nỗ lực. Mười nghìn giờ đồng hồ luyện tập là điều kiện cần thiết để biến bất kỳ người nào từ bình thường thành một chuyên gia”.
Cũng có lẽ bởi yêu cầu nghề nghiệp khắt khe nên đến giờ ông Toàn nói, mình vẫn chưa tìm được truyền nhân thực sự. “Bọn trẻ thích việc nhẹ lương cao. Nghề này và rất nhiều nghề truyền thống khác sẽ chẳng tránh được sự mai một. Xã hội càng phát triển thì đâu có thể chắc chắn được tương lai sẽ còn tìm được một vài người giữ nghề. Dù thế nào đi chăng nữa, chỉ cần còn sức khỏe, tôi vẫn sẽ ngồi đây, trọn vẹn với cái nghề khắc con dấu”.
Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Văn An:
Những con dấu gỗ thủ công là một phần hữu hình của di sản Hà Nội, phản ánh nghệ thuật và sự khéo léo tỉ mỉ của các nghệ nhân truyền thống. Con dấu cá nhân ban đầu được tạo ra để xác thực tài liệu và đóng dấu các lá thư quan trọng. Các nghệ sĩ và nhà văn cũng sử dụng chúng để in tên của họ lên các tác phẩm. Theo thời gian, những con dấu này đã phát triển vượt ra ngoài “định dạng” của chúng. Theo chân khách du lịch, chúng đã trở thành những món quà lưu niệm, những đặc sản văn hóa có mặt ở rất nhiều quốc gia khác nhau.
Xem nhiềuVăn hóa
Nguyên nhân bà Xuân Hòa - chủ phòng trà Tiếng Xưa - đột ngột qua đời
Văn hóa
Biệt thự 100 tuổi trong phim 'Người đẹp Tây Đô' trước nguy cơ bị xóa sổ
Văn hóa
12 tỷ đồng để nâng cấp Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định
Văn hóa
Làm thiện nguyện chuyên nghiệp
Văn hóa
Đăng thảo luận