(NLĐO) - Hành tinh LHS-1140b giống như rơi ra từ phim kinh dị nhưng có thể chứa đựng sự sống ngay trên "con ngươi" màu xanh của nó.
Một nghiên cứu mới dẫn đầu bởi nhà vật lý thiên văn Charles Cadieux của Đại học Montreal (Canada) cho thấy một hành tinh quái dị mang tên LHS-1140b, cách chúng ta chỉ 50 năm ánh sáng, có thể có sự sống.
Hai mặt của "hành tinh nhãn cầu" LHS-1140b và Trái Dất được đặt cạnh bên để so sánh kích thước - Ảnh: ĐẠI HỌC MONTREAL
Theo Science Alert, LHS-1140b cho thấy dấu hiệu của một "hành tinh nhãn cầu" siêu lạnh, với hầu hết diện tích bị bao phủ bởi lớp băng trắng xóa, ngoại trừ một "con ngươi" đường kính 4.000 km.
Tuy kinh dị, nhưng nó là một hành tinh ôn đới.
"Trong số tất cả các ngoại hành tinh ôn đới hiện được biết đến, LHS-1140b có thể là lựa chọn tốt nhất để một ngày nào đó chúng ta xác nhận nước lỏng trên bề mặt" - TS Cadieux khẳng định.
LHS-1140b, phát hiện được công bố chỉ vài năm trước, có bán kính khoảng 1,73 lần bán kính Trái Đất và 5,6 lần khối lượng của Trái Đất và là kiểu "hành tinh đại dương", tức có một đại dương bao phủ toàn cầu.
Nó ở gần ngôi sao mẹ hơn rất nhiều so với khoảng cách Trái Đất - Mặt Trời, chỉ mất 25 ngày để quay hết một vòng quanh sao mẹ.
Nhưng sao mẹ LHS-1140 của hành tinh này là một ngôi sao lùn đỏ mờ, lạnh, tức tỏa ra nhiệt lượng thấp hơn nhiều so với Mặt Trời.
Vì vậy, tuy nằm trong "vùng sự sống" của sao mẹ, hành tinh này vẫn bị bao phủ bởi một lớp băng, bọc bên ngoài đại dương toàn cầu.
Đăng thảo luận