Xử phạt gần 500 triệu đồng
Báo Tiền Phong số ra ngày 1/6 có bài “Hàng loạt bến thủy nội địa Sông Cầu, sông Thương: Không phép, gây ô nhiễm” phản ánh hàng loạt bến thủy nội địa, trạm trộn bê tông không phép hoạt động rầm rộ gây ô nhiễm môi trường, ngăn dòng thoát lũ và gây thất thu ngân sách. Sau đó, Đội CSGT đường thủy (Phòng CSGT- Công an tỉnh Bắc Giang) cho biết, đơn vị đã phối hợp lực lượng Cảng vụ Đường thủy nội địa kiểm tra, lập biên bản vi phạm, xử phạt 41 triệu đồng đối với 1 chủ bến thủy nội địa tại Km36+800 thuộc bờ trái sông Cầu thuộc phường Quang Châu, thị xã Việt Yên, Bắc Giang. Đây là bến thuỷ do ông Vũ Bá Khang quản lý, không được cấp giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa. Tuy nhiên, chủ bến có hành vi: “Tổ chức cho phương tiện vào xếp, dỡ hàng hóa tại vị trí chưa được công bố bến thủy nội địa”.
Trước đó, Phòng CSGT- Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với lực lượng Cảng vụ ĐTNĐ Bắc Giang, Bắc Ninh, Phả Lại và Chi nhánh đăng kiểm Hà Bắc kiểm tra lập biên bản 10 bến thủy nội địa, 10 phương tiện thủy và người điều khiển phương tiện thủy vi phạm có liên quan. Ngoài ra, lực lượng CSGT đã tổ chức tuần tra kiểm soát, kiểm tra lập biên bản 56 trường hợp vi phạm về phương tiện, thuyền viên, tổng số tiền 442 triệu đồng.
Các trạm trộn bê tông, bến bãi trên bãi sông Cầu khu vực phường Quang Châu (Việt Yên)
Tuy nhiên, ngày 4/6, phóng viên ghi nhận tại đây cho thấy, loạt bến thủy nội địa Sông Cầu, sông Thương không được cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Tại bến Đại Hùng của Cty TNHH Đầu tư XD Hồng Diên những núi than khổng lồ, không được che chắn vẫn sừng sững bên bờ sông Cầu phía thành phố Bắc Ninh. Máy cày, xe nâng, xúc vẫn rầm rập bốc hàng lên xe tải chở đi. Đối diện bên kia sông (địa bàn phường Quang Châu, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), hoạt động của các bến tập kết cát, trạm trộn bê tông vẫn tấp nập.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Cục Đường thủy Việt Nam cho biết tình trạng bến thủy nội địa không phép diễn ra nhức nhối tại nhiều địa phương, trong đó có khu vực trên sông Thương, sông Cầu qua Bắc Ninh và Bắc Giang như Tiền Phong phản ánh. Lãnh đạo Cục này cho biết, hiện đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc vào cuộc xử lý.
Ông Trần Văn Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa khu vực 1, thuộc Cục Đường Thủy nội địa Việt Nam, phụ trách các tuyến sông khu vực phía Bắc cho biết, sau khi báo Tiền Phong phản ánh, Chi Cục đã cử các cán bộ thanh tra phối hợp với Cảnh sát giao thông Bắc Giang để xử lý các tàu hàng neo đậu bốc, dỡ hàng tại các bến thủy nội địa không phép, hết phép với hành vi đậu đỗ trái phép tại vùng nước, luồng đường thủy và đang tiếp tục mở rộng sang các địa phương khác.
Xử lý công trình trong hành lang thoát lũ
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, ông đã nắm được thông tin và đã yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý. Thực tế một số địa phương đã có một số động thái vào cuộc.
Ông Trần Văn Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa khu vực 1 cho hay, trách nhiệm xử phạt, dẹp bỏ các bến bãi trái phép trên bờ của nhiều cơ quan, trong đó chủ yếu thuộc về địa phương. Tuy nhiên, ông Thọ thừa nhận, nếu thanh tra đường thủy kết hợp với CSGT xử lý triệt để hành vi các tàu hàng đỗ bốc hàng dưới sông, bến bãi trái phép cũng không thể tồn tại.
Liên quan đến những bến bãi vi phạm tại xã Quang Châu (Việt Yên), lãnh đạo phòng Kinh tế thị xã Việt Yên cho hay, UBND thị xã Việt Yên sẽ phối hợp với phường lập biên bản xử phạt các bến bãi vi phạm về đê điều, hành lang thoát lũ từ nay đến 30/6. Ông Tống Việt Lâm, Phó trưởng phòng Kinh tế thị xã Việt Yên cho hay, UBND thị xã đã có chỉ đạo các bến bãi được cấp phép hoạt động không để tình trạng vi phạm về xe quá tải và phải lắp trạm cân, camera giám sát... Đồng thời, cơ quan công an sẽ kiểm tra về hóa đơn chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá. Những trường hợp sai phạm đã bị xử phạt hành chính; nếu tiếp tục vi phạm tiếp sẽ cưỡng chế cắt dốc lên đê hoặc lắp barie...
Về giải pháp lâu dài, ông Lâm cho hay, theo quy định hiện nay tại tỉnh Bắc Giang, các bến bãi vật liệu phải cách mép sông 10m để đảm bảo hành lang thoát lũ. Nhưng để xây dựng bến thủy nội địa phải xây cầu tàu, chỗ neo đậu thuyền xuống sát mép sông. Vì thế, muốn sử dụng diện tích này phải làm thủ tục đấu giá cho thuê phần đất này. Hiện nay, địa bàn huyện Việt Yên số bến bãi đã thực hiện đấu giá thuê đất xong chỉ đạt khoảng 50%.
Về phía các chủ bến sai phép, ông Đỗ Văn Hoàn, đại diện bến Hoàn Chinh (Cty TNHH MTV Hoàn Chinh) thừa nhận, bến đã hết hạn từ năm 2021 và đáng ra phải dừng hoạt động bốc xếp hàng hoá từ sông Cầu lên. Theo ông Hoàn, hiện nay, đơn vị này vẫn đang trong quá trình làm thủ tục xin cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, còn bất cập là tỉnh Bắc Giang quy định phải để lại 10m kể từ mép sông trở vào chưa giao cho doanh nghiệp. “Ngoài chúng tôi, bến Việt Đức (Cty xây dựng Việt Đức) cũng trong tình trạng tương tự đang chờ được thuê nốt phần đất này mới phù hợp với quy định để được cấp phép bến thuỷ nội địa”, ông Hoàn cho hay.
Xem nhiềuBạn đọc
Cả trăm người đến hỗ trợ, 'giải cứu' chủ trang trại có 9.000 con gà chết ngạt
Bạn đọc
Cô gái trẻ bất ngờ khi CSGT liên hệ trao trả túi xách đánh rơi trên đường
Bạn đọc
Ấm lòng những 'chuyến xe 0 đồng Khánh Hòa' cho bệnh nhân nghèo
Bạn đọc
Kỳ lạ chuyện bán đất nghĩa trang trên giấy
Bạn đọc
Đăng thảo luận