Hãy cố gắng về nhà, ngồi bên cha mẹ dùng bữa cơm, hỏi chuyện để gắn kết tình cảm; đừng để phải ân hận...
Đến bây giờ, chị Ngọc Uyên (28 tuổi, ngụ TP HCM) vẫn còn ám ảnh với giọng thông báo gấp gáp từ người thân ở quê nhà Quảng Ngãi qua điện thoại đêm hôm ấy: "Mẹ mất rồi, em lo sắp xếp về gấp!".
Day dứt khôn nguôi
Đầu óc trống rỗng, trái tim như bị ai bóp chặt, dòng lệ tuôn ra, Uyên cố nói nhưng không thể thốt lên lời nào, chỉ khóc ngấc. Mãi lúc sau, chị mới định thần, tức tốc ra sân bay.
"Mẹ là người lo lắng, động viên tôi đầu tiên trong những lúc thăng trầm. Vậy mà giây phút mẹ lìa xa cuộc đời, tôi lại không kịp ở bên cạnh" - chị Uyên rưng rưng.
Cha mất sớm, nghỉ hè năm đầu học đại học, lần đầu tiên xa nhà, Uyên dự định về quê đỡ đần mẹ. Nhưng rồi bận làm thêm, tham gia những chuyến tình nguyện, đi cho biết đó biết đây, thực tập…, thời gian chị về nhà bên mẹ chẳng bao nhiêu.
Tốt nghiệp đại học, Uyên xin được công việc ở một công ty nước ngoài, lương khá cao nhưng luôn bận rộn và bị áp lực. Có lúc chị quên mình còn một gia đình ở quê nhà.
Uyên nghĩ mua vé máy bay không khó, muốn đi lúc nào cũng được, nhớ mẹ thì gọi điện thoại nói chuyện, nhìn thấy mẹ ngay, biết mẹ khỏe hay ốm đau, vui hay buồn. Vì vậy, chị cố gắng làm việc, hy vọng kiếm thật nhiều tiền để đưa mẹ đi du lịch, lúc rỗi sẽ dành cho mẹ nhiều thời gian hơn.
"Cứ chần chừ đến lúc mẹ không còn nữa, tôi nhớ và thấy nợ mẹ rất nhiều. Tôi cứ nghĩ mình còn trẻ, ngày tháng còn dài nên muốn báo hiếu mẹ lúc nào cũng được. Giây phút tiễn đưa mẹ, biết vĩnh viễn mất mẹ, lòng tôi trĩu nặng vì hối hận, xót xa…" - chị Uyên ân hận.
Đăng thảo luận