Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) vừa công bố khởi động xây dựng Kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch và dự kiến ban hành trong thời gian tới. Đây là cơ sở để thực hiện các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa một cách bài bản, hiệu quả cao.
Du lịch bền vững đối diện thách thức từ rác thải nhựa
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình: “Rác thải nhựa đang nổi lên là một thách thức lớn của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Vấn đề môi trường, rác thải tác động lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt trong đó, du lịch được xem là lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ ô nhiễm rác thải nhựa, nhưng đồng thời cũng là nguồn phát sinh đáng kể rác thải nhựa. Vì thế sự tham gia tích cực của ngành du lịch toàn cầu vào mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa được kỳ vọng là một trong những giải pháp quan trọng mang lại kết quả có ý nghĩa nhiều mặt đối với mục tiêu phát triển bền vững.”
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang áp dụng các quy định về giảm thiểu rác thải nhựa. Tại Việt Nam quy định về lộ trình giảm rác thải nhựa nói chung và trong lĩnh vực du lịch nói riêng đã được thể chế hóa trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP.
Theo đó, từ năm 2025, 100% các khu du lịch, cơ sở lưu trú, khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Nhiều tỉnh, thành phố ven biển đã ban hành Kế hoạch hành động của địa phương về quản lý rác thải nhựa đại dương và triển khai các mô hình giảm thiểu, hạn chế phát sinh rác thải nhựa.
Con người đang phải sống trong một thế giới ngập rác thải nhựa. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)Mặc dù vậy, các chuyên gia đánh giá thực tế hệ thống văn bản pháp luật về quản lý rác thải nhựa vẫn chưa đầy đủ. Cụ thể, các chính sách của ngành du lịch chưa đề cập rõ và cụ thể về quản lý rác thải nhựa; chưa có kế hoạch hành động của ngành du lịch về giảm rác thải nhựa; chưa có quy chế phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý rác thải nhựa nói riêng.
Việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm nhựa tái chế còn gặp khó khăn. Ngoài ra, việc thực thi các cơ chế và chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm và bao bì thân thiện với môi trường cũng gặp trở ngại. Chưa có tiêu chí đánh giá về giảm thiểu rác thải nhựa trong các cơ sở kinh doanh, dịch vụ lưu trú và dịch vụ du lịch khác. Các cơ sở dịch vụ du lịch khi xây dựng Quy chế quản lý cũng chưa có nội dung riêng về quản lý rác thải nhựa…
Đăng thảo luận