Thảm họa thiên nhiên là chuyện thường ngày ở Nhật Bản, quần đảo này nằm dọc theo Vành đai lửa, một cung động đất và núi lửa hoạt động ở Thái Bình Dương.
Điều nổi bật của quốc gia này là cho dù một thảm họa có gây thiệt hại lớn đến đâu, công tác cứu trợ sau thảm họa được tiến hành rất trật tự. Không có tình trạng hỗn loạn ở các điểm sơ tán cũng như không có việc hàng hóa cứu trợ bị lãng phí. Đó là kết quả của chủ trương lâu dài về công tác chuẩn bị các biện pháp ứng phó trong trường hợp xảy ra thảm họa.
Ứng phó trong thảm họa - Môn học được dạy từ mẫu giáo
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, Chủ tịch Nghiệp đoàn Kanto Joho, ông Kenji Nishikawa, cho biết ngay từ mẫu giáo, người Nhật đã được học các bài học về làm thế nào để giữ được an toàn cao nhất trong trường hợp xảy ra thảm họa, đặc biệt là động đất.
Các cơ sở mầm non phải ưu tiên hàng đầu cho sự an toàn của trẻ em trong các trường hợp khẩn cấp, vì trẻ nhỏ khó có thể tự tìm ra cách bảo vệ mình trong những tình huống như vậy.
Với trẻ nhỏ, các bài giảng lý thuyết sẽ không có hiệu quả bằng hành động thực tế. Vì vậy, thông qua các hoạt động chuẩn bị hằng ngày và diễn tập sơ tán thường xuyên, trẻ em và nhân viên học trực quan những việc cần làm nếu thảm họa xảy ra.
Cha mẹ cũng được khuyến khích giám sát các cơ sở của con mình theo quan điểm chuẩn bị và ứng phó với thảm họa.
Trẻ em học cách núp dưới gầm bàn hoặc bàn học để tránh các vật rơi trong trường hợp xảy ra động đất. (Nguồn: AFP)Ông Kyoko Tsukigase, Phó Giáo sư tại Đại học Kokushikan chuyên về ứng phó khẩn cấp, cho biết: "Nếu trẻ em được thực hành sơ tán nhiều lần từ khoảng 3 tuổi, chúng sẽ có thể thực hiện các bước như bảo vệ đầu khi xảy ra động đất."
Ông Tsukigase chia sẻ: "Nếu không được đào tạo, bạn sẽ không thể thực hiện được trong trường hợp xảy ra thảm họa. Điều quan trọng là phải cải thiện thông qua thử nghiệm và sai sót."
Bên cạnh đó, các hướng dẫn về cách thức sống sót trong thảm họa cũng được đăng tải nhiều trên các website chính thức của chính phủ và các tổ chức xã hội.
Nhờ được giáo dục và luyện tập từ nhỏ các kỹ năng ứng phó với thảm họa nên người Nhật Bản luôn thể hiện sự bình tĩnh và trật tự sau thảm họa.
Các thảm họa kinh hoàng tại Nhật Bản như trận động đất-sóng thần năm 2011 ở vùng Đông Bắc, động đất năm 2016 tại Kumamoto và mới nhất là động đất ngày 1/1/2024 ở Bán đảo Noto... đã khiến cho hàng trăm nghìn người phải sơ tán tới nơi tạm trú và sinh sống trong nhiều ngày.
Trong hoàn cảnh các vật dụng thiết yếu đều trông chờ vào sự cứu trợ nên có thể vẫn còn thiếu hụt, song người Nhật Bản không hề hoảng loạn, họ xếp hàng trật tự, chờ đến lượt mình nhận đồ cứu trợ.
Đăng thảo luận