TP - Nhiều cán bộ báo Tiền Phong mới đây nhận được cuốn sách của chị Nguyễn Bích Hậu, nguyên Trưởng Ban Bạn đọc báo Tiền Phong gửi tặng. Báo xin trích đăng bài viết của tác giả Lê Minh Sơn, nguyên phóng viên báo Tiền Phong như một lời tri ân đến chị Bích Hậu - một nhà báo đặc biệt, có nhiều đóng góp cho bạn đọc và báo Tiền Phong.

Đang học cuối lớp 10 THPT, tháng 2/1959, cô Bí thư Đoàn trường PTTH Ba Đình (Hà Nội) Nguyễn Bích Hậu tình nguyện gia nhập đội thanh niên xung phong (TNXP) mở đường chiến lược 12B Hòa Bình (tuyến đường thuộc vùng An toàn khu). Khí thế mạnh mẽ của gần 5.000 đội viên TNXP đã bắt núi cúi đầu. Tuyến đường vượt kế hoạch một năm, làm lợi cho nhà nước khó đo đếm.

Trong quá trình làm đường, chị Hậu viết nhiều tin bài cho báo Tiền Phong nên chị được mời về Thủ đô Hà Nội công tác tại chính báo Tiền Phong. Sau một năm được cơ quan cử đi học lớp báo chí, Ban Biên tập báo phân công Nguyễn Bích Hậu phụ trách Ban Bạn đọc.

 Chị Bích Hậu của chúng tôi 第1张

Bà Đặng Thị Xơ đi tìm hài cốt chồng là Lê Văn Huỳnh và bức thư kỳ lạ

Chuyện “Mười năm! Một số phận, hai cuộc đời”

Gần nửa thế kỷ (1960-1995), cựu TNXP Nguyễn Bích Hậu luôn chăm chỉ đọc những chồng thư khắp nơi gửi về tòa soạn. Khi đọc xong lá thư của chị Nguyễn Thị Anh Nhân - Tổng Giám đốc công ty bia Halida phản ánh về sự việc của cậu học trò/bị cáo Hà Minh Tuấn, nhà báo Nguyễn Bích Hậu có mặt tại phiên tòa. Tại đây, hàng trăm học sinh và thầy cô giáo trường Công nhân học nghề Việt Hưng, cùng hàng trăm bà con thị xã Sơn Tây vây quanh nhà báo Bích Hậu để kiến nghị. Thầy Dương Xuân Nhơn, Phó Hiệu trưởng trường Công nhân học nghề Việt Hưng nhận xét: “Tuấn là lớp trưởng, một Bí thư Đoàn được thầy yêu, bạn mến. Những ngày học tập ở trường, học sinh Tuấn chưa bao giờ biểu hiện gây gổ đánh nhau, thì làm sao lại xảy ra hành động đáng tiếc là: Tuấn đâm chết phụ xe Đào Thiện Thái”.

Để cắt nghĩa việc này, phóng viên (PV) Tiền Phong đã gặp nhiều nhân chứng. Dương Hồng Sơn, người cùng lên xe với Tuấn kể: Sợ trễ giờ học nên Sơn và Tuấn leo lên xe và xin phụ xe Đào Thiện Thái đi nhờ vì không có tiền. Anh phụ xe không cho đi, nhưng cả hai đều leo lên xe lần thứ hai. Anh phụ xe cố đẩy xuống và chửi mắng thậm tệ: “Học sinh gì chúng mày, trông mặt mũi khôi ngô nhưng toàn con nhà mất dạy, lên xe để móc túi hả?”. Bị mắng nhưng cả hai vẫn đứng im, cốt sao đến trường cho kịp. Đến thị xã Sơn Tây, Tuấn trách nhẹ: “Sao lúc nãy anh mắng chúng em thậm tệ đến vậy?” Ngay lập tức phụ xe Đào Thiện Thái mở toang cửa xe, đấm túi bụi vào mặt Tuấn. Trong lúc xô xát, Tuấn rút vội con dao trong túi mà hằng ngày dùng để gọt bút chì đâm vội một nhát…

 Chị Bích Hậu của chúng tôi 第2张

Chị Bích Hậu cùng con gái lớn Bích Dung ôn lại kỷ niệm của thời làm báo Tiền Phong

Trình bày câu chuyện đó như một lời bào chữa nên cuối cùng Tuấn được giảm án từ tử hình xuống còn 20 năm tù giam. Ngày Hà Minh Tuấn nhập trại giam Tân Lập (Phú Thọ) cũng là ngày báo Tiền Phong số 31/1989 đăng bài báo với nhan đề “Xôn xao về một vụ án tử hình”.

“Hơn nửa thế kỷ cầm bút hành nghề, tôi đã ghi lòng tạc dạ về sự giúp đỡ chân tình của bạn bè, của đồng nghiệp gần xa, của những tấm lòng vàng ở cán bộ lãnh đạo tòa báo. Điều đó đã thôi thúc ngòi bút của tôi đơm hoa kết trái, vượt khó để đưa những bài báo đến với bạn đọc. Đó là những bài báo với rất nhiều thân phận, mảnh đời và cả những câu chuyện xúc động đằng sau mặt báo. Tôi cũng được bạn bè ở mọi miền đất nước luôn quan tâm gửi gắm những nỗi niềm, gửi gắm những tình cảm yêu thương, quý trọng, động viên tôi vượt qua mọi khó khăn trong công tác, trong cuộc sống thường ngày. Tôi gửi vô vàn lời kính trọng, lời cảm tạ sâu sắc nhất đến tất cả. Những bạn bè, đồng nghiệp, đồng đội, bạn đọc và cả người những người thân của tôi!”.

Nhà báo Nguyễn Bích Hậu

Năm 1999, Tiền Phong lại nhận được lá thư của nhóm bạn gái ở thị xã Sơn Tây hỏi về phạm nhân Hà Minh Tuấn đến nay sống ra sao (lúc đó đã ngồi tù 10 năm). Để trả lời bức thư bạn đọc hỏi, nhà báo Bích Hậu lại lên tàu hỏa lên Phú Thọ, vượt sông Hồng, cuốc bộ gần 20km đường rừng đến trại giam Tân Lập. Gặp Tuấn, Tuấn cảm động gạt vội hai hàng nước mắt nói: “Chị ơi, những ngày đầu nhập trại, em không ăn không ngủ. Lúc bấy giờ em cảm thấy cả bầu trời vùng Hạ Hòa này đen kịt. Lúc ấy em ước có một vỉ thuốc ngủ để vĩnh biệt cuộc sống đau khổ đến tột độ. Nhưng rồi hàng trăm bức thư bạn đọc của Tiền Phong, những con người mà em chưa hề một lần gặp mặt đã gửi thư đến trại giam này động viên em. Có lá thư đã viết: “Tuấn ơi! Hãy ngẩng cao đầu nhìn qua cửa song sắt trại giam, ngoài này chúng tôi, cả cộng đồng đang mong Tuấn cố gắng cải tạo tốt để trở về với cuộc sống mới đang đợi…”. Chính những bức thư đó đã giúp Tuấn vượt qua những ngày đau khổ nhất.

Buổi chiều trước khi về Hà Nội, nhà báo Bích Hậu gặp Trưởng ban Quản giáo Nguyễn Văn Thịnh. Ông Thịnh đưa tờ Tiền Phong đã ngả màu vàng và nói: “Khi phạm nhân Tuấn nhập trại, chúng tôi đã tìm đọc bài báo “Xôn xao về một vụ án tử hình” của Tiền Phong. Bài báo này giúp chúng tôi hiểu rõ về phạm nhân Tuấn. Và chính nhờ sự hiểu đúng ấy, Ban Quản giáo chúng tôi đã bàn bạc cụ thể những việc giáo dục phạm nhân Tuấn để chóng được hoàn lương”. Ông Thịnh còn cho biết, Tuấn cải tạo tốt nhất so với những phạm nhân khác, đạt giải Nhất trong hội thi tay nghề của phạm nhân khu vực miền Bắc, Ban quản giáo nhất trí ghi tên Tuấn trong bảng danh sách những người được đề nghị đặc xá. Trong đơn đề nghị của ban quản giáo có đính kèm cả tờ Tiền Phong.

Trở về Hà Nội được 10 ngày (25/10/1999), lúc 9 giờ 30 phút, ông trưởng ban quản giáo Nguyễn Văn Thịnh gọi điện từ trại giam Tân Lập báo cho Tiền Phong một tin: Hà Minh Tuấn được trở về cộng đồng. Tuấn được một xí nghiệp đồ gỗ nhận vào làm công nhân và còn nhận được một lá thư cầu hôn của bạn gái đã chờ đợi 10 năm qua. Sau đó, Tuấn mở được một cửa hàng bán đồ gỗ do tự tay mình làm rất đẹp ở phố Lê Duẩn, Hà Nội. Tiền Phong sau đó có đăng bài “Mười năm! Một số phận, hai cuộc đời”.

 Chị Bích Hậu của chúng tôi 第3张

Làng Lòi ngày nay, hiện đại và khang trang

“Sao sỉ nhục các cựu TNXP?”

Sự việc của phạm nhân Hà Minh Tuấn xong xuôi, trọn vẹn, nhà báo Bích Hậu lại ghi vội địa chỉ trong thư của anh Hồ Hồng Tuyến (Nghệ An) gửi Tiền Phong rồi lên đường đi miền Tây tỉnh Nghệ An để tìm đến làng Lòi, nơi có 32 cô gái không chồng mà có con đang quần tụ.

Nhà báo Bích Hậu rất đau lòng khi nghe các bạn gái tâm sự. O Hương cho Tiền Phong biết: “Vùng đất cằn này trước kia là cánh đồng hoang, khi chúng tôi quần tụ về đây, dân làng đã đặt cho một tên mới là làng Lòi. Chẳng ai xua đuổi chúng tôi về cái làng này, nhưng để tránh những cặp mắt soi mói, định kiến, nên chị em chúng tôi, những người có chung một hoàn cảnh, đã tụ về đây để nương tựa nhau mà sống, sống để nuôi các con”. O Mơ nói rất nhỏ như để chính mình nghe thôi: “Trót yêu anh bộ đội trước giờ ra trận và mãi mãi anh nằm lại chiến trường nên khi xuất ngũ, tôi không dám mang “bụng” về quê nhà sống với cha già, mẹ héo. Tôi tự về làng Lòi để sống, trụ với chị em cùng hoàn cảnh cô đơn, nuôi con một mình”. O Hạnh lau vội hàng nước mắt đang chảy dài trên gò má tâm sự: “Chị Tiền Phong ơi! Cả tuổi thanh xuân của chúng tôi đã tự nguyện đi TNXP đến rừng Trường Sơn để chung tay cùng đồng đội mở đường Trường Sơn cho đoàn quân ra trận. Nay Bắc- Nam thống nhất, Tổ quốc giành độc lập, chúng tôi được xuất ngũ về làng. Giờ đành quá lứa lỡ thì, các bạn trai cùng lứa đi cầm súng không về nữa. Chúng tôi không thể lập gia đình… nên “liều” kiếm một đứa con để nương tựa tuổi già thì bị người đời dè bỉu và cho chúng tôi là thứ người mạt hạng trong xã hội”.

Nhìn các chị đang oằn mình giơ cao tay cuốc để trồng khoai sắn, để nuôi mình, cơm niêu, nước lọ trong túp lều xiêu vẹo, chị Bích Hậu quyết tâm vào cuộc. Phóng viên Tiền Phong bước nhanh đến thôn Đông, thôn Đoài để bàn bạc, dứt bỏ những tư tưởng phong kiến còn rơi rớt lại ở một số bà con thôn làng. Sau những buổi trò chuyện thấu tình đạt lý, tại cuộc họp của Hợp tác xã chị thẳng thừng phát biểu: “Các anh các chị có quyền sinh năm đẻ bảy, nhưng lại định kiến chê bai các cô gái đã mang tuổi thanh xuân của mình, cùng chung tay với nhân dân đánh giặc Mỹ để giành độc lập cho Tổ quốc. Nay các chị tôi trở về làng ở lứa tuổi quá lứa lỡ thì… đành kiếm một đứa con để nương tựa tuổi già thì lại bị nhiều người sỉ nhục cho là loại người thấp hèn trong làng xóm”.

Chị Bích Hậu lại đi khắp thôn trên, xóm dưới để gặp và bàn bạc với cán bộ địa phương nhằm triển khai, thực hiện tốt chế độ chính sách của Đảng, của Chính phủ đã ban hành đối với Bộ đội- Thanh niên xung phong xuất ngũ về địa phương. Sau những ngày đối mặt với cái nắng gay gắt như đổ lửa ở miền Trung, nhà báo Bích Hậu đã viết bài “Nỗi niềm của 32 cô gái làng Lòi không chồng mà có con” đăng Tiền Phong số 32/1998.

Hơn hai năm sau, chị Bích Hậu lại được phân công trở lại làng Lòi lần thứ hai. Dù đã đứng cả hai chân trên đất làng Lòi mà chị Bích Hậu cứ ngỡ mình đến nhầm địa chỉ. Đây là những dãy nhà mới mọc có mái ngói đỏ tươi chạy tít đến bờ sông Đào. Kia con đường bê tông phẳng lì chạy quanh làng Lòi thay thế con đường lầy lội năm xưa bùn lầy. Và kia nữa, tiếng trẻ nhỏ ríu rít chơi đùa, ê a trong nắng sớm đến trường. Rất nhiều đổi thay, nhưng vui nhất là sự thay đổi cách nhìn, cách đối xử với nhau nhân ái của bà con thôn Đông, thôn Đoài khi đến thăm làng Lòi.

O Mậu rối rít khoe: “Sau bài báo Tiền Phong đăng về làng Lòi, chị em chúng tôi đã nhận được trên ba mươi lá thư của các bạn đọc. Lá thư từ những người chúng tôi chưa một lần gặp mặt, đã động viên chúng tôi, yên tâm nuôi con khôn lớn, nhắc nhở chúng tôi sống sao cho xứng với danh hiệu TNXP”.

Bạn đọc đòi đổi tên nhà báo Bích Hậu

Một dạo, nhà báo Bích Hậu chăm chú đọc lá thư gửi từ đồng lúa Thái Bình. Thư viết: “Ông Chủ nhiệm báo Tiền Phong ơi, gia đình tôi đã lần mò vào miền Trung nhiều lần để tìm hài cốt chồng tôi Lê Văn Huỳnh đã hy sinh ở mặt trận Quảng Trị trong 88 ngày đêm khói lửa ở Thành Cổ để giành độc lập cho Tổ quốc. Những lần đi kiếm tìm ấy đều về tay không. Tiền Phong ơi! Giúp gia đình chúng tôi với!”.

Đọc thư xong, nhà báo Nguyễn Bích Hậu đi tàu hỏa vào Quảng Trị, gặp cán bộ Đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Chị được đưa đến tận bảo tàng của Thành Cổ. Ở chính gian giữa của bảo tàng có treo bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh viết gửi người yêu, người vợ trẻ ở hậu phương Thái Bình. Đây là bức thư kỳ lạ, trước giờ xung trận: “...Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khoẻ những người quen thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về Nhan Biều 1, nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy tìm sẽ thấy bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn. Thôi nhé, đó là có điều kiện, còn không thì em hãy cứ làm tốt những điều anh dặn ở trên là tốt lắm rồi...”.

Ghi vội bức thư ấy, nhà báo Nguyễn Bích Hậu vội vàng bám tàu hỏa Sài Gòn - Hà Nội để về ga Nam Định, rồi cuốc bộ gần 20 km đến đất Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, trao tận tay chị Đặng Thị Xơ. Nhận được thư chồng, chị Xơ cùng hai em trai của liệt sỹ tức tốc bám tàu đêm đến đất Quảng Trị. Được bà con cô bác ở thôn Nhan Biều nhiệt tình giúp đỡ, họ đã đào bới cả nửa quả đồi và đã thấy hài cốt của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh.

Nhìn ngôi mộ yên ấm nằm trong lòng đất mẹ, nhà báo Nguyễn Bích Hậu đã viết bài “Ba mươi năm đi tìm chồng” đăng trên Tiền Phong. Từ bài báo ấy, chị Đặng Thị Xơ đã nhận được ba mươi sáu bức thư của bạn đọc Tiền Phong gửi lời động viên chị sống xứng đáng với người chồng đã dũng cảm hy sinh để giành độc lập thống nhất nước nhà. Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ ở quân cảng Sài Gòn đã cử cán bộ của Đoàn ra tận đất Thái Bình xây cho vợ liệt sỹ Lê Văn Huỳnh một căn nhà khang trang. Căn nhà mà chị Xơ mơ ước để thờ chồng...

Hôm khánh thành ngôi nhà tình nghĩa, chị Xơ ôm chặt di ảnh của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh đặt vào gian giữa với hàng nước mắt tuôn trào. Ở cuối bức thư gửi Tiền Phong, chị Đặng Thị Xơ viết “Đề nghị ông Chủ nhiệm báo Tiền Phong đổi tên nhà báo Bích Hậu thành nhà báo Nhân Hậu ạ…”.

Lê Minh Sơn (Nguyên phóng viên báo Tiền Phong, nguyên Trưởng Ban phóng viên thường trú trong và ngoài nước của báo Nhân Dân) Xem nhiều

Xã hội

Hà Nội: Cưỡng chế thu hồi hơn 7.000 m2 đất nông nghiệp tại huyện Thường Tín

Nhịp sống phương Nam

Hồ thủy lợi lớn nhất Việt Nam xả nước 1 tuần, nguy cơ ngập nhà ven sông Sài Gòn

Xã hội

Phát hiện thi thể đang phân hủy ở ban công Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi

Xã hội

Thiên tai dị thường, khốc liệt hơn

Nhịp sống Thủ đô

Hà Nội: Người dân khu đô thị ngỡ ngàng vì loạt cây xanh sống sót sau bão bị đốn hạ
Tin liên quan  Chị Bích Hậu của chúng tôi 第4张

Cơ chế 'lưỡng tính' là cải cách có tính đột phá cho báo chí

 Chị Bích Hậu của chúng tôi 第5张

Báo Tiền Phong đoạt giải B báo chí Đồng Tháp

 Chị Bích Hậu của chúng tôi 第6张

Báo Tiền Phong đạt 3 giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng

 Chị Bích Hậu của chúng tôi 第7张

Người lưu giữ tác phẩm báo chí cách mạng Việt Nam từ những năm đầu tiên

 Chị Bích Hậu của chúng tôi 第8张

Cựu nhà báo và những biên khảo về báo chí Sài Gòn

MỚI - NÓNG  Chị Bích Hậu của chúng tôi 第9张
Lãnh đạo Bộ Văn hóa làm việc với đại diện Google
Văn hóa TPO - Ngày 23/9 (giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ, đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam do Thứ trưởng Hồ An Phong làm trưởng đoàn đã tới thăm trụ sở và làm việc với đại diện của Google tại Mountain View (bang California).  Chị Bích Hậu của chúng tôi 第10张
Quốc gia nào hạnh phúc nhất thế giới năm nay?
Giáo dục TPO - Nhiều năm liền, quốc gia này đứng đầu Báo cáo Hạnh phúc thế giới nhờ dịch vụ công tốt, tỷ lệ tội phạm thấp và tình trạng bất bình đẳng ít xảy ra.  Chị Bích Hậu của chúng tôi 第11张
Xe khách tông xe container trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, 1 người chết, 12 người bị thương
Xã hội TPO - Sáng nay, chiếc xe khách Thuận Thảo chạy trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết theo hướng từ Bắc vào Nam, khi đến Km227+800 đoạn qua xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đã tông vào đuôi xe container khiến 1 người chết, 12 người bị thương.