Khi hưu trí, nông dân đi cứu hộ
Đội cứu hộ tự quản do ông Đặng Ngọc Hiệp (65 tuổi, trú huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) sáng lập và quản lý, có thể nói là một tổ chức có một không hai ở Lâm Đồng. Ông Hiệp, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương Lạc Dương ông mong muốn chung sức cùng cộng đồng trong những công việc có ích. Vùng đất này sở hữu ngọn núi Lang Biang hùng vĩ, nơi thu hút hàng ngàn khách du lịch mỗi năm. Cũng chính tại đây, nhiều người gặp nạn do địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt và sự bất cẩn của bản thân.
Nhớ lại những năm đầu tiên thành lập đội, khoảng năm 2011, nhìn thấy thực tế lúc đó đường sá đi lại tại nhiều nơi trên địa bàn huyện còn khó khăn, vất vả, thường xảy ra các vấn đề như cháy rừng, tai nạn giao thông hoặc đuối nước…ông Hiệp đã thành lập tổ cứu hộ tự phát. “Thời điểm đó, chúng tôi chỉ là những người hàng xóm giúp đỡ nhau trong những tình huống nguy cấp. Nhưng rồi, số lượng người gặp nạn trên núi ngày càng tăng, chúng tôi nhận ra mình cần phải tổ chức một cách bài bản hơn”, ông Hiệp cho hay.
Với kinh nghiệm của người lính, ông Hiệp cùng 5 cựu chiến binh khác ở thị trấn Lạc Dương thành lập một đội cứu hộ tự phát. Ông Hiệp cho biết, ban đầu, nhóm chỉ hoạt động trong phạm vi nhỏ, giúp đỡ những người bị lạc đường, gặp tai nạn hoặc gặp khó khăn khi leo núi. Về sau, tổ hoạt động hiệu quả, vì vậy, tháng 8/2018, UBND thị trấn Lạc Dương có quyết định chính thức thành lập Đội Phòng cháy chữa cháy và Tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tự quản (PCCC&TK CHCN tự quản), tiền thân là tổ tự phát kể trên. Từ đó, tổ chính thức trở thành lực lượng cứu hộ tự quản.
Theo ông Hiệp, dù không phải lực lượng chuyên nghiệp, nhưng toàn đội đều quyết tâm cùng sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng. Khi nhận được thông báo về người gặp nạn, đội nhanh chóng có mặt tại hiện trường, hỗ trợ tìm kiếm và sơ cứu ban đầu trước khi lực lượng chính quy đến. Vào giai đoạn cao điểm, đội đã thu hút gần 80 thành viên tham gia. Các thành viên trong đội đều được huấn luyện một cách bài bản về mặt nghiệp vụ cũng như cấp chứng chỉ hoạt động.
“Đội duy trì số lượng thành viên thường xuyên. Hiện đội có hàng chục phương tiện cơ giới hỗ trợ cứu hộ trên bộ và gần 10 phương tiện cứu hộ đường thủy. Bên cạnh đó, đội còn thành lập các lực lượng tại chỗ đóng quân trên địa bàn một số xã để ứng phó nhanh chóng, kịp thời khi có tình huống khẩn cấp xảy ra”, ông Hiệp cho hay.
Cứu giúp người là niềm vui
Trong 10 năm hoạt động, các thành viên đội cứu hộ gặp không ít câu chuyện thót tim. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Trần Văn Sơn, một thành viên trong đội cho biết, bản thân vốn là một nông dân quanh năm chăm chỉ với ruộng vườn. Ông Sơn vẫn nhớ như in lần cứu một cô gái trẻ đi phượt mắc kẹt giữa núi, dưới chân là vực thẳm.
Đội cứu hộ tập luyện cùng cơ quan chức năng.
“Cô ấy trèo lên một vách đá hiểm trở mà không hề biết rằng dưới chân là vực thẳm. Khi chúng tôi đến nơi, chỉ cần cô ấy trượt một bước thôi là có thể mất mạng. Phải mất hàng giờ tìm cách tiếp cận và đưa cô ấy xuống an toàn. Lúc đó, tôi chỉ biết mình phải cố gắng, cẩn thận từng chút một, vì mạng sống của cô gái trẻ,” ông Sơn kể.
Theo ông Sơn, trong những tình huống như vậy, mỗi quyết định đều phải cân nhắc kỹ lưỡng, bởi chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Một tình huống khác cũng khiến ông Đặng Ngọc Hiệp nhớ mãi, đó là một nhóm du khách trẻ người nước ngoài leo núi mà không có hướng dẫn viên. Ông Hiệp kể, lúc đó trời bắt đầu tối và nhóm này bị lạc giữa rừng sâu. Khi nhận được tin báo, chúng tôi lập tức lên đường. Địa hình hiểm trở, trời mưa lớn khiến công việc tìm kiếm rất khó khăn. Cứ thế, đoàn đi sâu vào rừng lúc nào không hay. “Sau 6 giờ tìm kiếm, đoàn chúng tôi đã tìm thấy nhóm du khách. Gặp chúng tôi, ai nấy đều mừng rỡ, may mắn không ai bị thương nghiêm trọng, nhưng ai cũng kiệt sức”, ông Hiệp nhớ lại.
Không chỉ dừng lại ở việc giải cứu những người gặp nạn, đội cứu hộ của ông Hiệp còn là những người bạn đồng hành của dân phượt, khách du lịch. “Một lần nọ, có một cặp đôi thử thách bản thân bằng cách tự mình leo núi mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Khi trời đổ mưa lớn, họ bị kẹt giữa lưng chừng núi, không thể tiếp tục leo lên cũng không thể quay về. Chính đội cứu hộ tự quản đã xuất hiện đúng lúc, giúp họ thoát khỏi tình cảnh hiểm nguy”, ông Hiệp kể.
Thiếu tá Đỗ Mạnh Trường - Trưởng Công an Thị trấn Lạc Dương (Lâm Đồng) cho hay, đội PCCC&TK CHCN tự quản do ông Hiệp quản lý hoạt động rất hiệu quả. Đặc biệt, đơn vị vừa phối hợp cùng đội cứu hộ tự quản này tìm kiếm, giải cứu thành công 2 trường hợp đi lạc sâu trong dãy Lang Biang trong thời tiết mưa lũ. Đội cứu hộ đã hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chức năng.
Theo đội trưởng Hiệp, ông luôn giữ trong mình một triết lý sống đơn giản “Giúp đỡ người khác là niềm vui. Dù không phải là lực lượng chuyên nghiệp, chúng tôi vẫn làm hết khả năng để bảo vệ và cứu giúp những người cần chúng tôi”.
Nhiều bằng khen tập thể, cá nhân treo tại trụ sở của đội.
Đội cứu hộ phối hợp tìm thấy 2 du khách đi lạc.
Anh Nguyễn Văn Bình, một thành viên trẻ trong đội chia sẻ, có những lúc vừa ra đồng làm việc thì nghe điện thoại reo, lập tức bỏ hết để đi. “Đối với chúng tôi, mỗi vụ cứu hộ thành công không chỉ là một niềm vui nhỏ, mà còn là động lực để tiếp tục công việc. Có nhiều người sau khi được cứu đã quay lại cảm ơn đội cứu hộ, thậm chí còn tham gia vào các hoạt động tình nguyện cùng đội”, anh Bình bộc bạch.
Ông Đặng Ngọc Hiệp - Đội PCCC và TKCHCN tự quản.
Sau nhiều năm hoạt động, Đội PCCC&TK CHCN tự quản thị trấn Lạc Dương do ông Hiệp quản lý đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an cùng các cấp chính quyền tại tỉnh Lâm Đồng biểu dương, trao tặng nhiều bằng khen đối với tập thể và cá nhân.
Xem nhiềuXã hội
Miễn nhiệm chức Tổng Thư ký Quốc hội với ông Bùi Văn Cường
Xã hội
Ông Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư
Xã hội
Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Cuba vượt qua sự cố mất điện diện rộng
Xã hội
Thượng tướng Nguyễn Doãn Anh làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa
Xã hội
Đăng thảo luận